MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tờ rơi xuất hiện trước cổng ký túc xá sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Ảnh: Mỹ Linh

Muốn "thoát" được tín dụng đen, không thể chỉ trông chờ hết vào công an

Thanh Hải LDO | 19/03/2024 16:23

Thầy trò Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng vừa trải qua phen nhốn nháo, hoang mang khi các đối tượng "anh chị" xộc vào tận ký túc xá, dán ảnh gia đình sinh viên, đòi nợ...

Ngày 19.3, Phòng Công tác sinh viên, Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết một số đối tượng lạ mặt đã dán giấy đòi nợ khổ lớn có hình 3 người phụ nữ trước cổng ký túc xá của trường. Trong đó có hình của một sinh viên đang theo học tại Trường.

Tờ rơi có lời lẽ đe dọa, khiến sinh viên hoang mang, lo sợ vì hành vi táo tợn này. Theo đại diện nhà trường, sự việc hy hữu này mới có trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, đây lại là hiện tượng phổ biến trong các khu nhà trọ của công nhân, ở khắp các nơi cả nước. Tại Quảng Nam, lãnh đạo Công đoàn các Khu Kinh tế và Khu Công nghiệp tỉnh này cho biết năm 2023 đã có hàng trăm trường hợp công nhân dính vào “tín dụng đen”, khiến cuộc sống bị đảo lộn. Nhiều người phải xin nghỉ việc, rời khỏi nơi cư trú.

Đặc biệt, sau dịch bệnh, kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp cắt giảm giờ làm, thu nhập công nhân bấp bênh không đủ trang trải sinh hoạt, nhiều người đã tìm đến dịch vụ cho vay tiền nhanh. Chỉ sau vài tháng, “lãi mẹ đẻ lãi con”, không kịp trả nợ, họ liên tục bị các đối tượng cho vay, đòi nợ đe dọa, hành hung.

Thực tế, các cá nhân, tổ chức cho vay nhanh - "tín dụng đen" đều nặng lãi. Phần lớn là những đối tượng hình sự đứng sau chỉ đạo, lôi kéo các đối tượng lưu manh thực hiện các hành vi siết nợ, đòi nợ thuê, đe dọa, khủng bố “con nợ" kiểu như xộc vào tận ký túc xá trường sư phạm để dán ảnh là ví dụ.

Năm 2023, Công an Quảng Nam phá đường dây cho vay lãi nặng qua hình thức online với số tiền hơn 20 nghìn tỉ đồng. Đường dây này đã cho hơn 1 triệu người trên toàn quốc vay thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, với lãi suất hơn 2.300%/năm, có đến 103 bị can bị khởi tố, mới thấy vấn nạn này phổ biến đến khủng khiếp.

Hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi đã bị công an liên tục triệt phá, nhưng nó như vòi bạch tuộc. Tạm lắng nơi này lại phát sinh chỗ khác.

Mới đây, Báo Lao Động có nêu trường hợp một khách hàng ở Quảng Ninh sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank năm 2013, phát sinh nợ 8,55 triệu đồng nhưng nay, dư nợ lên hơn 8,83 tỉ đồng. Thông tin gây sốc. Ngay sau đó Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh đã vào cuộc. Khổ chủ cũ đã thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Nhưng đó là vì "nắm được người có tóc" chứ nếu vay "ngân hàng trên cột điện" thì phải hốt hoảng như gia đình sinh viên ở Đà Nẵng hoặc phải nghỉ việc, bỏ trốn như một số công nhân ở Quảng Nam.

Ngoài tuyên truyền, hiện chính quyền các địa phương đều đã ký kết với các tổ chức tín dụng hợp pháp, tạo các gói sản phẩm hợp lý, giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tiếp cận vay vốn không phải thế chấp tài sản.

Vì vậy, trong khi chờ sự vào cuộc điều tra, can thiệp, xử lý của công an thì các sinh viên, công nhân lao động, người dân... cần tự bảo vệ mình, bằng cách tìm hiểu kỹ, lựa chọn các địa chỉ tín dụng hợp pháp để vay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn