MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Năm 2024 - Kỳ vọng đột phá

Hoàng Lâm LDO | 01/01/2024 06:36

Các tổ chức quốc tế (IMF, OECD, WB) cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 thấp hơn năm 2022 và xu hướng khó khăn này sẽ tiếp tục duy trì, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ còn thấp hơn năm 2023.

Trong bối cảnh ấy, kinh tế Việt Nam với những con số đã được công bố cho thấy khả năng “đi ngược gió” tạo động lực và niềm tin trong năm 2024.

Có thể nói, năm 2024 chính là năm tăng tốc thực hiện các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Cơ sở và động lực để đi nhanh hơn đó là sự tăng trưởng ở một vài chỉ số quan trọng như GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022.

Năm 2024 sẽ có nhiều tác động đến các chỉ số này, đặc biệt là năm quyết liệt thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, thực hiện cải cách tiền lương, lương tối thiểu vùng tăng 6%…

Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tăng năng suất lao động. Đây chính là “điểm nghẽn” trong nhiều năm qua. Lý thuyết chỉ ra rằng, nâng cao năng suất lao động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từ đó tạo động lực để phát triển kinh tế.

Đối với doanh nghiệp, tăng năng suất lao động tạo ra lợi nhuận lớn hơn và thêm cơ hội đầu tư để mở rộng sản xuất. Đối với người lao động, tăng năng suất lao động dẫn tới lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Ở tầm vĩ mô, tăng năng suất lao động giúp tăng nguồn thu từ thuế, có điều kiện để tăng tích lũy, mở rộng phát triển sản xuất và nâng cao phúc lợi của nhân dân.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc tăng trưởng và phát triển kinh tế cũng sẽ tạo ra những yếu tố để thúc đẩy tăng năng suất lao động. Đó là, việc phân bổ lại các nguồn lực, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào những ngành có năng suất cao hơn, đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị.

Cải cách tiền lương, tăng lương tối thiểu vùng là một trong những chìa khóa giải quyết vấn đề này.

Nỗ lực tạo ra đột phá trong năm 2024 không chỉ từ phía Chính phủ, các bộ, ngành mà nó còn phải thể hiện ở trong chính tư duy và hành động của mỗi người lao động. Chỉ có thế, chúng ta mới sẵn sàng bước vào năm 2024 một cách lạc quan, tự tin và đầy hứng khởi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn