MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyển Việt Nam dừng bước tại Asian Cup 2023. Ảnh: Quỳnh Anh

Nằm mơ World Cup

Hoàng Văn Minh LDO | 21/01/2024 12:15

Trong tất cả các môn thể thao thì bóng đá là game đối kháng tập thể có thể nói là hấp dẫn nhất và mang tính “đời sống” nhất, ví như chuyện chúng ta đang "nằm mơ" World Cup .

Trước hết là sự bạc bẽo đến từ cảm xúc, sự yêu ghét của người hâm mộ với đội tuyển bóng đá nam và các huấn luyện viên có thể gói gọn là “lật mặt” còn nhanh hơn cả lật bánh tráng.

Như trước khi vào giải Asian Cup 2023, cảm giác của người hâm mộ nói chung là ngán tận cổ với thành tích bết bát từ đá thật cho tới giao hữu của đội tuyển trong suốt năm qua kể từ khi ông Troussier tiếp quản ghế huấn luyện viên trưởng thay ông Park Hang-seo.

Tuy nhiên, chỉ với một “trận thua đẹp” 2-4 của đội tuyển Việt Nam trước Nhật Bản cách đây mấy hôm, ông Troussier lại làm người hâm mộ sướng điên, kèm theo những lời ca ngợi trên mây.

Nhưng chỉ sau đó mấy hôm, với trận thua bạc nhược, rối rắm 0-1 trước Indonesia, ông Troussier lại bị “lên thớt” với không biết bao nhiêu là “mỹ từ” có tính mạt sát cá nhân.

Nó cho thấy khoảng cách giữa người hùng và tội đồ trong bóng đá và nghề huấn luyện viên bóng đá, chỉ là một lằn ranh mỏng manh, nằm giữa hai mặt phải trái của một tấm huy chương.

Tiếp nữa, thắng thua là chuyện bình thường của bóng đá trong một giải đấu bởi bóng đá là game đối kháng tập thể, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nên ở đây không bàn chuyện đúng sai.

Dù rằng các thống kê kiểu năm nay là lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam bị loại từ vòng bảng Asian Cup; lần đầu tiên Việt Nam thua Indonesia sau 8 năm; hay tuyển Việt Nam có nguy cơ bị bật ra khỏi top 100 trên bảng xếp hạng FIFA sau 5 năm… đã cho thấy bóng đá chúng ta đang đi lùi thảm hại như thế nào.

Và quan sát cách ông Troussier tiếp quản, vận hành đội tuyển, áp đặt triết lý kiểm soát bóng bất chấp đối thủ là ai, sử dụng cầu thủ… theo hướng gần như phủ nhận sạch trơn di sản của ông Park Hang-seo để lại, sẽ thấy được bóng dáng và hệ lụy của cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” nó động đậy và cụ thể như thế nào.

Và hóa ra tư tưởng dấu ấn nhiệm kỳ, “không thèm” kế thừa, thậm chí phủ nhận sạch trơn thành quả và dấu ấn của người đi trước là câu chuyện có tính thế giới chứ không riêng gì của người Việt mình.

Một trong những lý do khiến ông Troussier đến với bóng đá Việt Nam là ông bị thuyết phục bởi kế hoạch dự World Cup 2026. Và đây cũng là mục tiêu mà Liên đoàn đặt cho ông và ông nhận - rất mạnh dạn, tự tin như các tuyến bố của mình sau đó.

Tuy nhiên, nhìn lại thực lực của bóng đá Việt Nam cũng như hành trình tròn 1 năm qua của ông Troussier với đội tuyển, cho thấy một thực tế là chúng ta đang “nằm mơ" World Cup chứ chẳng có “giấc mơ" World Cup nào cả. Những ảo tưởng như thế này, cũng đầy rẫy ở các lĩnh vực khác ngoài bóng đá, nhiều đến mức không đếm xuể.

“Nói thắng là thắng” là một câu trích tiếng Việt rất thú vị được viết trên bảng - đứng bên cạnh là ông Troussier - trong phòng họp trước trận Việt Nam – Indonesia nhằm lên tinh thần, tạo quyết tâm cho các cầu thủ.

Nhưng kết quả trận đấu, lại phản ánh như một nghĩa khác của từ "thắng" trong tiếng Việt, còn có nghĩa là “phanh”, là “dừng lại”. Vậy nên, có lẽ cũng đến lúc, bóng đá Việt Nam nên "thắng" lại, nên "chia tay sớm bớt đau khổ" với ông Troussier!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn