MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nạn nhân của bạo lực gia đình bị đau đớn về thể xác, dày vò về tinh thần

Lê Thanh Phong LDO | 18/04/2022 06:52

Tại phiên họp thứ 10 vào chiều 16.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hậu quả của bạo lực gia đình cả về thể chất và tinh thần rất lớn, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. 

Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng, phần bảo vệ nạn nhân bị bạo lực về tinh thần, bạo lực tình dục chưa rõ, trong khi dày vò về tinh thần nhiều khi còn nặng nề hơn thể chất.

Gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ người tình, cha mẹ kế hành hạ con chồng, con vợ dã man, làm chấn động dư luận. Đơn cử như, bé Đ.N.A. 3 tuổi, bị người tình của mẹ bạo hành ở Thạch Thất, Hà Nội, chết vào ngày 12.3 vừa qua.

Có vụ, cả cha ruột cùng người tình hành hạ con ruột của mình đến mức nhập viện, đó là Nguyễn Kim Trung Thái, cha của bé V.A.

Còn trường hợp ở chung nhà, cha dượng xâm hại tình dục con riêng của vợ hay người tình là tình trạng khá phổ biến. Ngoài những vụ báo chí đưa tin, có bao nhiêu trường hợp khác không ai biết. Chủ tịch Vương Đình Huệ lưu ý, tình trạng mẹ kế bạo hành con riêng của chồng, rồi bố dượng, người tình xâm hại, bạo hành con riêng của vợ là rất nhiều, gây bức xúc xã hội nên các ngành tư pháp cần đặc biệt quan tâm đối tượng này.

Đa số các vụ bạo hành gia đình xảy ra ở vùng nông thôn, những gia đình nghèo, ít học, thiếu hiểu biết pháp luật. Chồng đi uống rượu say xỉn, về nhà hành hạ, đánh đập vợ con, thậm chí con cái đánh đập cả cha mẹ. 

Nhiều đứa bé bị người thân xâm hại không biết tự bảo vệ mình, không biết tìm đến đâu để tố cáo, để yêu cầu được bảo vệ.

Trong nhiều gia đình, có những người vợ, người con bị hành hạ, sống trong lo sợ, bị “dày vò về tinh thần” từng ngày, nhưng không ai quan tâm đến họ. Cho nên, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) phải đảm bảo được việc bảo vệ con người không bị trở thành nạn nhân của bạo lực ngay trong chính căn nhà của họ.

Nhưng luật pháp không tự đi đến từng căn nhà, mà phải có sự vận động, động viên con người sống và làm việc theo pháp luật. Các đoàn thể như hội phụ nữ phải bảo vệ được phụ nữ. Đoàn thanh niên, hội thanh niên, các tổ chức bảo vệ trẻ em phải đến từng gia đình, tiếp  xúc với trẻ em, học sinh để tuyên truyền về pháp luật.

Ngoài ra, các đoàn thể phối hợp với gia đình, trường học phổ biến cho chị em phụ nữ, cho trẻ em kỹ năng tự bảo vệ mình.

Một đất nước văn minh, một xã hội công bằng trước hết là sức khỏe, nhân phẩm của công dân phải được luật pháp bảo vệ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn