MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Trung ương Huế sẽ được nâng cấp từ hạng đặc biệt lên hiện đại. Ảnh: Tường Minh

Nâng cấp bệnh viện, trước hết cần nâng cấp quản trị và niềm tin

Hoàng Văn Minh LDO | 05/08/2023 06:27

Bộ Y tế đề xuất 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế…

Như Lao Động đã thông tin: Trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng.

Đồng thời, có 5 bệnh viện hạng đặc biệt gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Trung ương Huế sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại, ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài, thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.

Người Việt Nam phải ra nước ngoài chữa bệnh, là một thực trạng nhức nhối trong thời gian qua. Còn nhớ tại hội nghị triển khai công tác năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế thời điểm đó là bà Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên công bố con số gây choáng váng: "Mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỉ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh".

Đáng nói là người Việt phải chi đến 2 tỉ USD mỗi năm để ra nước ngoài chữa bệnh, trong bối cảnh ở trong nước, ở 5 bệnh viện đặc biệt vừa kể có đầy đủ trang thiết bị cũng như rất nhiều bác sĩ giỏi, tiếp cận, làm chủ được nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến, hiện đại của thế giới.

Là chưa nói đến việc ra nước ngoài chữa bệnh rất tốn kém, gấp 4 - 10 lần ở Việt Nam.

Phó Giáo sư Nguyễn Tiến Quyết - nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - ví dụ, ghép gan ở nước ngoài hết khoảng 6 tỉ đồng thì ở Việt Nam chỉ hết khoảng 1,5 tỉ đồng. Và ông kể, tại hội nghị đã dẫn: “Tôi hay nói đùa, họ đã trả học phí một cách ngu ngốc".

Hay việc có không ít bệnh nhân sống dở chết dở tại các bệnh viện nước ngoài, mất tiền tỉ mà bệnh tình càng trầm trọng, rốt cuộc lại phải về Việt Nam chữa trị.

Nhưng vì sao người Việt vẫn cứ phải ra nước ngoài chữa bệnh nếu có điều kiện? Đây là một câu hỏi khó mà nhiều năm nay, các nhà quản lí, hoạt động xã hội, bác sĩ trăn trở đi tìm nhưng chưa có lời giải thoả đáng.

Tuy vậy, một phần của câu trả lời, được số đông nhắc đến chính là việc thiếu niềm tin của người bệnh, từ chẩn đoán của bác sĩ theo kiểu cùng một chứng bệnh như bác sĩ bệnh viện này nói thế này, bác sĩ bệnh viện kia nói thế kia. Trong trong khi ở nước ngoài thường không có tình trạng này do các bệnh viện "liên thông" hội chẩn.

Tiếp đến là hầu hết các cơ sở điều trị của chúng ta đều trong tình trạng quá tải, cơ sở vật chất chật chội, nhà vệ sinh thì bẩn, thủ tục hành chính nhiêu khê, phục vụ chậm trễ, lề mề, thái độ thiếu niềm nở...

Tất cả đã và đang gây cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh có điều kiện kinh tế một tâm lý hoảng sợ, ám ảnh.

Muốn giữ chân và giảm số người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, thì điều quan trọng nhất mà 5 bệnh viện đặc biệt cần nâng cấp bây giờ chính là nâng cấp quản trị, đồng bộ từ y đức cho đến dịch vụ chăm sóc y tế, để tạo/nâng cấp niềm tin cho người bệnh và thân nhân của họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn