MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nâng quốc lực để hưng thịnh

Lê Thanh Phong LDO | 25/01/2020 10:06

Vậy là chúng ta bước sang năm cuối cùng thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12.4.2012.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến độ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Đối với việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, Việt Nam thể hiện được bản lĩnh của quốc gia từng đi qua nhiều cuộc chiến tranh và luôn là người chiến thắng. Việt Nam yêu chuộng hòa bình,  kiên định giải quyết xung đột bằng giải pháp ngoại giao, xử lý các tình huống xung đột trên Biển Đông ôn hòa, bình tĩnh và không nhân nhượng, lùi bước.

Về chủ quyền, hôm nay và ngày mai cũng không khác, như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tất cả phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc... Không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.

Về kinh tế, những năm qua Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nằm trong top các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, con số tăng trưởng chỉ phản ánh một phần đời sống kinh tế. Để đánh giá một nền kinh tế có sức mạnh đến đâu còn phụ thuộc các yếu tố khác, đó là chất lượng tăng trưởng, chất lượng nguồn lao động và chất lượng về bảo vệ môi trường.

Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp, bị một số nước trong khu vực bỏ xa, đó là một thực tế chúng ta phải đối mặt. Chưa kể, sự tác động của thời đại công nghệ buộc các nước phải đào tạo nguồn nhân lực theo kịp với số hóa. Cách mạng công nghiệp 4.0, các nước cường thịnh theo còn vất vả, Việt Nam chỉ mới dừng lại ở vận động, kêu gọi, chuẩn bị, chưa có nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp này. Đây là việc trong năm 2020 phải giải quyết và phải có một bước tiến rõ rệt.

Chất lượng nguồn nhân lực còn được quan sát ở khía cạnh đời sống. Nhiều người lao động trong nước chưa được thụ hưởng các giá trị vật chất và tinh thần như kỳ vọng. Đa phần công nhân còn thiếu nhà ở, chỗ trọ không đảm bảo sinh hoạt, con cái không được gửi ở các nhà trẻ an toàn, đời sống văn hóa tinh thần còn thấp.

Những điều này khẳng định về một sự phát triển chưa bền vững. Để thay đổi được thực trạng trên, liệu một năm 2020 có làm được hay không, đó là câu hỏi đặt ra đối với các nhà quản lý. Vấn đề không phải là nhà ở, mà là ở như thế nào, vấn đề không phải là sống, mà sống có chất lượng.

Một điều rất lớn khác, đó là tiêu chí bảo vệ môi trường như mục tiêu mà chiến lược đã đề ra. Đảng và Nhà nước luôn đề cao việc bảo vệ môi trường, không phát triển kinh tế bằng mọi giá, không vì mục tiêu tăng trưởng mà tổn hại đến môi trường. Nhưng vẫn còn có những hạn chế trong chỉ đạo điều hành, để xảy ra các hậu quả về môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Nạn phá rừng chưa ngăn chặn triệt để.

Những thông tin về ô nhiễm ở Hà Nội từ không khí đến nguồn nước cho thấy, chúng ta đang phát triển chưa bền vững, môi trường sống còn là mối đe dọa đến sức khỏe của con người.

Còn một năm 2020 để điều chỉnh những việc chưa tốt, để sửa sai, để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Đây là một thách thức ghê gớm với Chính phủ và các địa phương.

Nhưng chúng ta phải có niềm tin và quyết tâm hành động. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đặt vấn đề: Không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao “quốc lực” để tự tin phát triển nhanh, bền vững.

Hai chữ “quốc lực” chứa đựng nhiều ý nghĩa, đó là sức mạnh của Chính phủ từ việc tạo ra các chính sách thông minh, là năng lực sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, là sáng kiến, sáng tạo từ cộng đồng, là trách nhiệm công dân trong xây dựng đất nước.

Nhưng để giữ được “quốc lực” thì phải dẹp bỏ mọi rào cản, lực cản và những thứ làm mất sức dân, sức nước, trong đó ghê gớm nhất là nạn tham nhũng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn