MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đến lúc coi quảng cáo, rao vặt trái phép là hành vi phá hoại mỹ quan đô thị. Ảnh: Hữu Chánh

Nên coi quảng cáo, rao vặt trái phép là hành vi phá hoại mỹ quan đô thị

Hoàng Văn Minh LDO | 24/09/2023 17:47

Nên coi quảng cáo, rao vặt trái phép là hành vi phá hoại mỹ quan đô thị để nâng khung hình phạt cao hơn là xử lý hành chính.

Liên quan đến chuyện cỏ nhựa “leo” trụ điện ở quận 5, TPHCM để ngăn nạn bôi bẩn, dán quảng cáo, rao vặt trái phép như Lao Động vừa phản ánh, lãnh đạo quận 5, TPHCM đã cho tháo gỡ cỏ nhựa quấn quanh cột đèn, cột điện tại một số tuyến đường.

Theo đại diện Ủy ban MTTQ quận 5, việc tháo gỡ các tấm cỏ nhựa nhằm đánh giá lại tính hiệu quả của công trình quấn cỏ nhựa quanh cột đèn, cột điện mà đơn vị này thực hiện trong thời gian qua.

Những tấm cỏ nhựa sau khi tháo gỡ khỏi các cột điện được các phường giữ lại. Ủy ban MTTQ quận 5 cũng đang chờ các chỉ đạo tiếp theo để quyết định "số phận" của những tấm cỏ nhựa được tháo gỡ này.

“Số phận” những tấm thảm được tháo ra từ các trụ điện chưa biết sẽ thế nào. Nhưng “số phận” của các trụ điện vừa được “dọn cỏ”, nhiều khả năng sẽ quay lại với việc quanh mình lại đầy “rác” của quảng cáo và rao vặt trái phép như số phận chung của tất cả các trụ điện trên toàn thành phố.

Còn nhớ tại phiên họp giải trình hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo hồi tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng tình trạng quảng cáo bằng tờ rơi, rao vặt, dán bậy trên các công trình diễn ra nhiều năm khiến cử tri bức xúc nhưng đến giờ này vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Và từ năm 2008, TPHCM đã phát động là năm văn minh đô thị và kéo dài trong hai năm, trong đó có một nội dung là các phường làm bảng tin khu phố, chủ động mời gọi các công ty dán quảng cáo trên bảng tin đó nhưng kết quả là “người ta” vẫn cứ thích dán ở trụ điện hơn.

Theo luật hiện hành, hành vi bôi bẩn, dán quảng cáo, rao vặt trái phép… là vi phạm "nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo" với mức phạt tiền cao nhất là từ 1-2 triệu đồng.

Tuy nhiên, là nói theo lý thuyết bởi thực tế rất ít trường hợp bị xử phạt vì rất nhiều lý do khác nhau.

Trong khi ở các nước xung quanh như Singapore, Malaysia, Philippines… họ coi việc dán quảng cáo, vẽ bậy là hành vi phá hoại môi trường, phá hoại đô thị với khung hình phạt rất nặng.

Chẳng hạn luật của Singapore quy định việc vẽ bậy, dán bậy ở nơi công cộng sẽ bị phạt 2.000 đô la Singapore, phạt lao động công ích từ 3 - 8 tháng. Nếu dán, vẽ bậy ở các công trình quan trọng như công sở, bảo tàng, chùa chiền có thể bị phạt 3 năm tù.

Để xử lý triệt để nạn bôi bẩn, dán quảng cáo, rao vặt trái phép trên các trụ điện, có lẽ đến lúc không nên chỉ coi đó là hành vi vi phạm các quy định hành chính mà phải đưa vào tội phá hoại mỹ quan đô thị, quấy rối đời sống dân cư với khung hình phạt cao hơn như nhiều nước đang áp dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn