MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống camera IP ghi hình kỹ thuật số với khả năng ghi hình liên tục, trang bị AI nhận dạng khuôn mặt, biển số xe... ở phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TPHCM. Ảnh: Ngọc Ánh - Minh Tâm

Nên nhân rộng mô hình “mắt thần” để phát hiện, xử phạt người dân xả rác

Hoàng Văn Minh LDO | 28/06/2024 19:00

Việc xử lý nạn xả rác bừa bãi nơi công cộng vừa có một bước tiến với việc nhiều địa phương tại TPHCM đã thực hiện lắp đặt “mắt thần” để kịp thời phát hiện, xử phạt.

Ví dụ, phường Tân Hưng Thuận, Quận 12, TPHCM vừa đầu tư 64 camera IP ghi hình kỹ thuật số với khả năng ghi hình liên tục, trang bị AI nhận dạng khuôn mặt, biển số xe... cộng với việc luôn có lực lượng công an túc trực.

Khi phát hiện người dân trên địa bàn có dấu hiệu xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, cán bộ công an trực camera sẽ thông báo ngay đến các chốt trực gần đó để xác minh, xử phạt tại chỗ.

Trường hợp lực lượng chức năng chưa tới kịp, UBND phường sẽ cho nhận diện khuôn mặt, biển số xe… để mời lên phường xử lý.

Lắp camera IP ghi hình kỹ thuật số với khả năng ghi hình liên tục, trang bị AI nhận dạng khuôn mặt, biển số xe... nói như dân gian là để “bắt tận tay day tận trán” khiến những người vi phạm hết đường chối cãi, chỉ còn biết nộp phạt và rút kinh nghiệm.

Đây rõ ràng là một cách làm hay, nghiêm túc và bước đầu, theo xác nhận của lãnh đạo phường Tân Hưng Thuận với phóng viên Lao Động là đã phát huy hiệu quả rất tích cực, khi số vụ vi phạm về xả rác trên địa bàn đã giảm sâu so với năm trước.

Thực tế thì xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định là một câu chuyện có tính toàn cầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, xả rác là một vấn nạn đúng nghĩa bởi rất nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc ý thức cộng đồng và bảo vệ môi trường của một bộ phận lớn người dân, từ nông thôn cho đến thành thị, có thể nói là rất kém.

Thực tế nữa là thời gian qua, chúng ta không thiếu giải pháp đề ra để giải quyết vấn đề này. Thậm chí về luật, chúng ta có đến 2 văn bản là Nghị định 45/2022 và 144/2021 của Chính phủ có các điều khoản xử phạt hành chính chi tiết về lĩnh vực bảo vệ môi trường và an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Tuy nhiên, tính hiệu quả của các giải pháp vẫn chưa cao. Và việc áp dụng luật, cũng như các mức xử phạt còn thấp - chỉ từ 100 ngàn đồng đến 5 triệu đồng như hiện nay - vẫn mang tính “lấy lệ” và chưa đủ sức răn đe những người vi phạm.

Trong khi nhìn ra thế giới, sẽ thấy nhiều nước đã và đang “sạch rác thải” theo nhiều nghĩa, họ xử phạt rất nặng các hành vi xả rác nơi công cộng.

Ví dụ ở Đức, hình phạt đối với hành vi xả rác có thể lên tới 300 euro (hơn 7 triệu đồng) tùy thuộc vào kích thước, khối lượng của rác thải.

Hay ở Singapore, một cá nhân bị phát hiện xả rác có thể đối diện mức phạt 2.000 đô la Singapore cho lần đầu vi phạm (gần 34 triệu đồng) và tăng gấp đôi, gấp 3 cho các lần tiếp theo…

Theo thông tin trên Báo Lao Động thì ở TPHCM, hiện ngoài phường Tân Hưng Thuận thì một địa phương khác là phường 11, quận Phú Nhuận cũng đã vận động kinh phí để lắp 30 camera IP ghi hình kỹ thuật số nhằm ứng phó vấn nạn xả rác trên địa bàn.

Nhưng như vậy vẫn còn quá ít.

Trong khi chờ nâng mức xử phạt cũng như thành quả của giáo dục tuyên truyền, để ý thức người dân được nâng lên, thì những camera IP ghi hình kỹ thuật số như thế này phải được “nhân rộng”, phủ khắp ở TPHCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn