MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên ủng hộ chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Ảnh: Bích Hà

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa chẳng khác gì quay lại độc quyền

Lê Thanh Phong LDO | 06/08/2023 14:36

Có ý kiến cho rằng, cần có thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ngoài các bộ sách của các đơn vị xã hội hóa vì lo ngại việc sử dụng nhiều bộ sách dẫn đến sự thiếu thống nhất trong dạy và học trên phạm vi cả nước.

Cần suy nghĩ thấu đáo vấn đề này bởi đây là quan điểm đi ngược lại sự tiến bộ, phản mục đích của cải cách giáo dục. Và đây cũng là cách làm ăn mòn ngân sách, không khéo lại chỉ phục vụ cho một nhóm lợi ích có liên quan đến sản xuất bộ sách, từ biên soạn đến in ấn, phát hành. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian mới phá bỏ được độc quyền biên soạn và in ấn, phát hành sách giáo khoa, không vì bất cứ lý do gì gây lại cái họa nguy cơ độc quyền.

Khi đưa ra chủ trương xã hội hóa giáo dục, phá bỏ độc quyền biên soạn sách giáo khoa, có nghĩa là không để Bộ GDĐT tham gia biên soạn sách giáo khoa, mà chỉ là "nhạc trưởng", đưa ra chương trình và làm công việc của nhà quản lý.

Các nhà quản lý ngành Giáo dục có tâm và có tầm là biết cách huy động tài nguyên trí tuệ và nguồn lực tài chính của xã hội để sản xuất ra các sản phẩm học thuật chất lượng cao phục vụ việc dạy và học cho các thế hệ công dân. Không phải đi cạnh tranh với xã hội trong việc làm ra sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Chính vì thế, khi đã là nhạc trưởng, lại sản xuất một sản phẩm cạnh tranh trên thị trường, thì chẳng khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi. Không còn bình đẳng, công bằng và khách quan.

Thử hỏi, khi Bộ GDĐT biên soạn và phát hành một bộ sách giáo khoa, thì các địa phương, trường học, có dám từ chối lựa chọn hay không.

Bộ GDĐT biên soạn ra một bộ sách, thì chẳng khác gì tuyên bố với xã hội về sự độc quyền, cho dù thể hiện dưới hình thức nào, thì cũng chỉ là độc quyền mà thôi.

Trao đổi với Lao Động, cô giáo Lê Dinh - giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội - thẳng thắn: “Trên thế giới, các nước phát triển cũng đều áp dụng chủ trương nêu trên. Lợi ích của việc có nhiều bộ sách giáo khoa là chấm dứt tình trạng học tủ, học vẹt, học thuộc lòng như trước kia. SGK hiện nay chỉ là tài liệu tham khảo, không còn là pháp lệnh. Nhờ đó, giáo viên được quyền chủ động tìm tòi, nghiên cứu phương pháp dạy phù hợp nhất với học trò”.

Trong bài "Xã hội hoá sách giáo khoa nhưng tránh lợi ích nhóm" đăng ngày 3.8, Lao Động nêu quan điểm rất rõ: "Đổi mới chương trình, xã hội hóa sách giáo khoa là nền tảng để thay đổi cách dạy, cách học còn được thể hiện ở chỗ, đó là chuyển từ khai thác trí nhớ của người học sang khai thác sự sáng tạo... Đây chính là giá trị lớn nhất của giáo dục, đặc biệt là ở thời đại công nghệ, đòi hỏi một thế hệ công dân toàn cầu đủ năng lực hội nhập quốc tế".

Đừng bàn lùi nữa, khi cuộc sống đang đi đúng quỹ đạo của nó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn