MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) - nơi xảy ra vụ việc cô giáo bạo hành học sinh. Ảnh: Hải Đăng

Nếu không có video cô giáo bạo hành học sinh thì vụ việc sẽ bị chìm xuồng

Lê Thanh Phong LDO | 03/10/2023 15:17

Ông Nguyễn Duy Hiền - Hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cho hay, nhà trường sẽ đợi kết luận của cơ quan công an và đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng đối với học sinh phát tán đoạn video lên mạng xã hội.

Theo ông Hiền, việc phát tán video đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường và tâm lý của rất nhiều học sinh.

Đoạn video ghi lại hình ảnh cô N.T.P - giáo viên trường THPT Đa Phúc - có hành vi túm cổ áo, kéo lê học sinh trước cửa lớp. Lý do nữ sinh này mua bánh sinh nhật không đúng theo yêu cầu của cô chủ nhiệm.

Ông hiệu trưởng khẳng định sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật học sinh đưa video lên mạng. Ông cho rằng: “Giả sử bạn học sinh trong video tâm lý không tốt và nghĩ dại dột, do đó, khi làm việc gì phải hết sức cân nhắc”.

Giáo viên túm tóc, kéo lê học sinh chỉ vì đặt bánh sinh nhật không đúng theo ý mình còn chưa biết cân nhắc, đòi hỏi một học sinh cân nhắc khi tận mắt chứng kiến cô giáo bạo hành bạn học của mình - một nữ sinh.

Hình ảnh của nhà trường và tâm lý của rất nhiều học sinh bị ảnh hưởng là do hành động của giáo viên, đó mới là bản chất của vụ việc, không phải do video đưa lên mạng xã hội.

Xét một mặt nào đó, video đưa lên mạng xã hội có yếu tố tích cực, vì cộng đồng biết đến vụ việc, sự thật bị phanh phui. Tác động lâu dài là nhiều người lấy đó làm gương, không dám hành động sai trái vì có thể bị ghi hình và công bố công khai trước thiên hạ.

Câu hỏi đặt ra là nếu không có đoạn video đó xuất hiện trên mạnh xã hội, thì thầy hiệu trưởng, học sinh, phụ huynh và xã hội có biết vụ việc cô giáo bạo hành học sinh không, hay lại chìm xuồng. Chưa kể nếu không có học sinh quay lại vụ việc thì không chứng không cứ để xử lý cô giáo.

Cũng như vụ thầy giáo tự xưng "bố mày", chửi học sinh "con chó", nếu không có học sinh ghi lại, đưa lên mạng xã hội thì sẽ không có chứng cứ, không có sự lên án từ dư luận để kỷ luật thầy giáo có hành vi sai phạm.

Cho nên, cũng phải xét từng vụ việc cụ thể, để đánh giá hành vi, động cơ của người đưa video lên mạng. Trong các vụ tương tự như vụ này, hành vi của cô giáo, thầy giáo mới đáng xem xét, hơn là chuyện học sinh đưa video lên mạng.

Ý của thầy hiệu trưởng Nguyễn Duy Hiền cũng có lý, phải giáo dục học sinh ứng xử trên mạng, cân nhắc việc gì nên làm, việc gì không nên. Giáo dục là tốt, nhưng không phải chuyện gì cũng đòi xử lý theo quy định của pháp luật, "kỷ luật thích đáng" đối với học trò của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn