MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bây giờ là lúc cần những người đọc thông thái, nếu như không muốn stress vì virus sợ hãi được tạo ra từ những hotgirl tin đồn.

Nếu không muốn lên gặp công an, nhận án phạt 10 triệu đồng!

Anh Đào LDO | 12/03/2020 12:42

Cô gái bán hàng online cũng có thể tung tin về virus. Bán thịt ngoài chợ cũng nói COVID-19 về làng.  “Cô đồng” cũng có thể tuyên bố việc cách ly cả thành phố... Những dòng tin ấy như dội dầu vào đám lửa của sự hoang mang, lo lắng.

Đào ra siêu thị mua về 2 thùng mì tôm, 40 kí gạo, 6 con gà và 20 hộp thịt, chưa kể vân vân những rau cỏ, củ quả. Cả lương khô nữa. Cả giấy vệ sinh nữa. Giấy vệ sinh làm gì? Anh không biết luôn. Lý do của anh rất đơn giản: Ôi thiên hạ nó mua hết rồi. Thì đấy trên “phây” tràn ngập ảnh “thiên hạ vơ vét không còn thứ gì”.

Mua xong, anh đăng ảnh những kệ hàng trống trơn lên mạng xã hội, kèm theo bình luận: Vơ vét! Ôi bọn này nó điên hết rồi.

Đào là một phiếm chỉ. Chỉ để kể lại câu chuyện thời sự vừa diễn ra ở Thủ đô, nơi rất nhiều Đào đã ra chợ khuân không từ thứ gì. Dù chả biết vì sao và để làm gì.

Trong phiếm chỉ này, Đào là một nạn nhân của tâm lý đám đông, vừa là một thủ phạm tạo ra tâm lý ấy.

Nếu lướt mạng xã hội hàng ngày, không khó để nhận ra giờ đây chỉ virus, virus và COVID 19.

Trên cái chợ thông tin ấy, một phụ nữ đắp chăn nằm nhà cũng có thể "khẳng định”: Bệnh nhân số 17 (cái con í) từng khai trương Uniqilo ở Phạm Ngọc Thạch, từng đến bar ở Tạ Hiện. Trên cái chợ ấy, một phụ nữ đi chợ, nghe hóng nghe hớt ngoài chợ rồi vội vàng đăng facebook: COVID-19 về đến Hồng Lĩnh rồi bà con ơi. Cả “cô đồng” nữa, cũng có thể tuyên bố như đúng rồi về chuyện “chuẩn bị cách ly cả cái Hải Phòng này đến nơi rồi”.

Những chữ “toang”, những cảm khái u ám, những dòng tin độc không biết đường nào mà lần ấy không khác gì dội dầu vào đám lửa của sự hoang mang, lo lắng. Và trong ngữ cảnh cụ thể này, nó sinh ra trầm uất, hoang mang, lo lắng.

Bây giờ là lúc cần sự tự điều chỉnh của từng cá nhân. Bây giờ là lúc cần những người đọc thông thái. Nếu như không muốn stress vì virus sợ hãi trước khi dính COVID-19.

Rất dễ thôi, chỉ cần xác tín báo chí, qua Bộ Y tế. Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn. Còn báo chí, ít nhất là họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác và không bao giờ dám đưa tin không kiểm chứng.

Rất dễ thôi, hãy ngừng nói về những gì mình không biết, không tận mắt chứng kiến, nếu không muốn lên gặp công an “uống nước trà giá 10 triệu đồng một chén” (bị phạt vi phạm hành chính vì tung tin sai trên mạng xã hội).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn