MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân vẫn chật vật với phương án phân luồng mới tại Ngã Tư Sở, ảnh chụp sáng 9.1.2023. Ảnh: Tô Thế

Ngã Tư Sở - Khi nào hết khổ?

Hoàng Lâm LDO | 09/01/2023 14:17

Người Hà Nội vui vì đường vành đai 2 trên cao sắp được thông xe đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Vui đấy nhưng lại lo Ngã Tư Sở vẫn lại là Ngã Tư… khổ.

Dự án vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở bao gồm cả phần mở rộng dưới thấp có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỉ đồng. Trong đó, tuyến vành đai 2 trên cao dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối giáp với nút giao Ngã Tư Sở.

Những tưởng, khi đưa vào sử dụng, tuyến đường này sẽ giải quyết được nạn ùn tắc giao thông. Nhưng không. Hãy thử hình dung, đoạn đường trên cao đang đẹp nhưng đến nút giao Ngã Tư Sở thì tắc không khác nào chỗ thắt nút cổ chai. Hai năm trước khi vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng thông xe đã gây ra ùn tắc cục bộ ở đường xuống gần nút Ngã Tư Sở.

Nguyên nhân là lượng xe gấp đôi sức chịu đựng của Ngã Tư Sở và câu chuyện làm sao phân luồng cho khoa học tại đây vẫn là điều chưa có câu trả lời rõ rệt.

Thời điểm đó, người dân chỉ ra ngay bất cập. Đó là thời gian tín hiệu đèn xanh - đỏ ở Ngã Tư Sở không hợp lý, hướng Trường Chinh - Láng, thời lượng đèn đỏ hơn 70 giây, hướng đường Trường Chinh rẽ trái sang đường Nguyễn Trãi hơn 90 giây; còn đèn xanh từ 21 giây đến hơn 30 giây.

Thậm chí, trên Báo Lao Động, có bạn đọc hiến kế rằng, nên chăng lại làm một hầm chui qua Ngã Tư Sở, hoặc đường trên cao vành đai 2 cần được nối dài từ Trường Chinh sang Láng, nghĩa là sẽ có cầu vượt trên cầu vượt.

Thực tế trong quy hoạch, tuyến đường vành đai 2 còn có hệ thống đường trên cao kéo dài từ Trường Chinh đến Cầu Giấy nhưng không biết bao giờ sẽ triển khai.

Hàng chục năm trước, Ngã Tư Sở đã là điểm đen ùn tắc giao thông, tới mức bị chuyển hẳn địa danh thành “Ngã Tư… khổ”.

Câu chuyện loay hoay phân luồng tại ngã tư này cũng đã diễn ra nhiều năm như một minh chứng hùng hồn về việc quy hoạch hạ tầng giao thông Hà Nội chồng chéo, thiếu đồng bộ.

Nên nhớ rằng, đây là dự án Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án tháng 3.2018 theo hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng). Nhà đầu tư là một tập đoàn tư nhân lớn đã nỗ lực hoàn thành với mục tiêu khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến.

Xử lý câu chuyện Ngã Tư Sở là chuyện của chính quyền Hà Nội bởi nếu không sẽ lại là vấn đề rất cũ: Thông đầu này, tắc đầu kia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn