MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều đoạn bị hư hỏng, sạt lở trên kênh thủy lợi Pleikeo đầu tư trăm tỷ. Ảnh Thanh Tuấn

Ngân sách không phải là... “lá mít"!

LÂM CHÍ CÔNG LDO | 23/08/2020 17:51

Hàng chục tỉ đồng ra khỏi Kho bạc Nhà nước cho một doanh nghiệp ứng trước khi thi công dự án, nhưng ứng tiền xong thì "bỏ túi", dự án vẫn nằm im. Gần cả trăm tỉ ngân sách đầu tư cho một dự án thủy lợi, nhưng làm xong thì hư hỏng ngay, không sử dụng được...

Những câu chuyện như vậy lẽ ra không còn thời sự nữa trong bối cảnh lò chống tham nhũng đã khởi động khá lâu và "đỏ lửa" liên tục với cường độ ngày càng quyết liệt. Và còn thời sự hơn cả chuyện làm sai trái, gây hậu quả thiệt hại cho ngân sách nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân về bộ máy lãnh đạo, công quyền, là chuyện những cán bộ gây ra hậu quả đó hoặc là không bị xử lý theo quy định hoặc là chuyển đi làm ở những vị trí khác, có thể cao hơn vị trí cũ. 

Điển hình, mới đây nhất là tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án "Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nông thôn phục vụ phòng, chống ngập lụt xã Phương Mỹ" với số vốn đầu tư từ ngân sách 34,7 tỉ đồng; và dự án "Kè chống sạt lở sông Ngàn Sâu" với số vốn từ ngân sách 48 tỉ đồng.

Tại 2 dự án này, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Ngọc đều xác nhận đã được ứng tiền từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Hà Tĩnh. Theo KBNN tỉnh này thì số tiền ứng của 2 dự án lần lượt là 17,3 tỉ và 14 tỉ từ năm 2018 và 2019; KBNN cũng đã nhiều lần phát văn bản thu hồi do ứng tiền xong nhưng nhà thầu không thi công. 

Tại tỉnh Gia Lai, công trình thủy lợi Pleikeo có vốn ngân sách đầu tư 119 tỉ đồng, vừa hoàn thành năm 2019, chưa bàn giao thì đã hư hỏng, không sử dụng được. Hình ảnh từ Clip do Báo Lao Động thực hiện cho thấy, người dân dùng tay bóp vỡ bê tông trên các tuyến kênh dễ dàng như bóp... bánh tráng đã nói lên sự thật về chất lượng thi công công trình thủy lợi này. 

Vì sao tình trạng ngân sách nhà nước bị buông lỏng quản lý, để thất thoát, không hiệu quả, bị xà xẻo, lợi dụng, tham nhũng... vẫn tiếp tục xảy ra như vậy? Cho ứng ra khỏi két ngân sách hàng chục tỉ đồng khi phía thi công chưa có mặt bằng để thi công, kéo dài hàng năm trời; vậy mà không một cán bộ liên quan nào bị xử lý ngoài việc "liên tục phát công văn thu hồi".

Trong các chế tài xử lý, cần thêm vào việc cùng với thu hồi vốn cho ứng, phải tính tiền lãi theo lãi suất vay thương mại cộng với phạt nộp chậm. Thử hỏi, còn ai trong ngành Kho bạc dám ký giải ngân cho ứng khi đơn vị thi công chưa có mặt bằng? 

Một mấu chốt nữa là việc truy, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa tuân thủ nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước.  Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, Sở Giáo dục và Đào tạo đã duyệt chi phí tổ chức khóa đào tạo giảng viên dạy Toán, Khoa học bằng tiếng Anh với số tiền 36 tỉ đồng "chưa phù hợp"; và nhiều khoản tiền vi phạm khác cũng từ hàng trăm triệu đến vài tỉ. Nhưng, người đứng đầu là Giám đốc sở Lê Hồng Sơn cũng chỉ bị... phê bình.

Trong khi 2 dự án trọng điểm với hàng chục tỉ đồng của ngân sách đã ứng cho nhà thầu nhưng cũng nằm trây ra đó, không thực hiện được, thì Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn vẫn được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tiến cử lên vị trí Bí thư Huyện ủy huyện này. 

Nếu người đứng đầu nơi có dự án thủy lợi "mềm như bánh tráng" tại Gia Lai vẫn tiếp tục... vô can, nếu các vụ ứng xử với tiền ngân sách mà như lá mít vẫn tiếp tục không bị xử lý bởi các chế tài đủ mạnh, nghiêm khắc thì quả thực không tiền thuế nào nuôi nổi bộ máy và trả nợ vay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn