MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành giáo dục được quyền quyết định trong tuyển dụng, luân chuyển giáo viên trong các cơ sở công lập. Ảnh: Lao Động

Ngành giáo dục cần được “nắm” giáo viên

Hoàng Văn Minh LDO | 24/05/2024 14:41

Ngành giáo dục cần được “nắm” giáo viên bằng cách được chủ động tuyển dụng, luân chuyển. Và nội dung này đang được xin ý kiến trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo đang xin ý kiến có một nội dung rất mới và quan trọng là "Ngành giáo dục được quyền quyết định trong tuyển dụng, luân chuyển giáo viên trong các cơ sở công lập thay vì ngành nội vụ và UBND các cấp như hiện nay".

Đây là đề xuất thiết thực, phù hợp thực tế, cần được các bộ, ngành liên quan và dư luận ủng hộ để thành luật.

Giáo dục là một ngành đặc thù. Và ngành này từ rất nhiều năm nay cũng có một thực tế tréo ngoe, rất đặc thù là không “nắm” được giáo viên và cả tài chính. Khi việc tuyển dụng giáo viên là do Sở Nội vụ và UBND các địa phương phụ trách. Còn tài chính thì do Sở Tài chính các địa phương phân bổ.

Từng hơn một lần, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn thể hiện sự bất lực, nói đại ý ngành giáo dục của ông đang “nắm” tất cả, trừ hai thứ là giáo viên và tài chính.

Chính vì không “nắm” được giáo viên, nên vai trò lớn nhất của ngành trong việc tuyển dụng là đề xuất, kiến nghị theo kiểu rất nặng cơ chế xin cho. Để rồi hệ lụy kéo theo là sự bị động, không thể điều phối được nguồn nhân lực do mình quản lý. Dẫn đến việc giáo viên, nói thiếu thì thiếu nhưng nói thừa thì đúng là cũng đang rất thừa.

Thêm nữa, khác với việc tuyển dụng công chức thông thường, tuyển dụng giáo viên phải căn cứ vào đề án vị trí việc làm; chuẩn nhà giáo; chương trình giáo dục, đào tạo; quỹ tiền lương nhằm bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu nhà giáo giảng dạy, giáo dục.

Cho nên để đơn vị không sử dụng lao động (nội vụ) tuyển dụng cho đơn vị sử dụng (trường học) thì sẽ khó mà phù hợp, có chất lượng như mong muốn.

Dĩ nhiên với đề xuất này, chính ngành giáo dục đang đi “mua việc” và sự vất vả thêm cho mình. Tuy vậy, đây là sự “mua việc” cần thiết, có trách nhiệm khi mang lại lợi ích cho người học, phụ huynh, cho nhân dân và cả vì sự tiến bộ, phát triển của ngành.

Nhân có đề xuất ngành giáo dục được quyền quyết định trong tuyển dụng, luân chuyển giáo viên… trong dự thảo Luật Nhà giáo, có nhiều ý kiến cho rằng, ngoài giáo viên, ngành giáo dục cũng cần được “nắm” thêm cả tài chính để việc tuyển dụng và nhiều vấn đề liên quan khác được chủ động hơn.

Xin được nhắc lại là “nắm” tài chính, tức là được quản lý về tài chính chứ không phải là “tự chủ tài chính” để rồi tăng thu học phí theo nhu cầu như nhiều trường, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang thí điểm tự chủ từng phần hoặc 100% đang gây dư luận trái chiều.

Thường nghe, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân về chất lượng giáo dục. Điều này là dĩ nhiên, không có gì phải bàn cãi.

Nhưng nếu không cho ngành giáo dục quyền tự quyết, chủ động về vấn đề nhân sự và cả tài chính, thì “chịu trách nhiệm”, thật ra cũng chỉ qua loa vì có rất nhiều lý do chính đáng để biện minh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn