MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải quyết được vấn đề cơ hội việc làm, tiền lương thì tự khắc ngành sư phạm sẽ thu hút được thêm nhiều người giỏi. Ảnh ĐH

Ngành sư phạm tìm người giỏi: Đừng trông khoản hỗ trợ 3,6 triệu/tháng

Hoàng Lâm LDO | 26/02/2022 13:39

Muốn có học sinh giỏi, thì phải có thầy cô giỏi. Đó là yêu cầu hàng đầu. Thế nhưng ngành sư phạm vẫn loay hoay câu hỏi: làm thế nào để thu hút người giỏi.

“Chuột chạy cùng sào…” đã từng là câu nói khiến những người đã và có ước mơ trở thành thầy cô giáo “buốt lòng”. Đó là một phần của sự thật khi mà điểm đầu vào sư phạm luôn ở mức thấp, khi mà vào sư phạm chỉ là sự lựa chọn cuối cùng.

Không phải ngành sư phạm không có người giỏi. Nhưng yêu cầu đặt ra- họ- những thầy cô giáo tương lai phải thuộc nhóm giỏi nhất.

Câu chuyện có vẻ trở nên mâu thuẫn khi phụ huynh luôn muốn có thầy - cô giỏi dạy dỗ con mình, nhưng lại không khuyến khích chúng vào ngành sư phạm.

Hôm 25.2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý giáo viên mần non phổ thông thì câu chuyện “chất lượng sinh viên sư phạm và đội ngũ nhà giáo” bất ngờ trở nên rất nóng.

Vẫn là vấn đề lương, việc làm và tương lai sau khi ra trường của các sinh viên sư phạm là bài toán chưa có lời giải hợp lý. Trong đó, lương không đủ sống là nguyên nhân chính khiến giáo viên bỏ nghề, sinh viên không muốn theo ngành sư phạm.

Về phía mình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo thông tin, Nghị định 116 đã được thực hiện từ 2021. Các chính sách gồm sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, hỗ trợ 3,63 triệu đồng mỗi tháng để chi trả phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường... 

Đó là một nỗ lực lớn, nhưng chưa đủ. Bởi thu hút, đào tạo một đã khó nhưng để họ trụ lại được với nghề, phát huy tâm huyết, khả năng còn khó hơn.

Miễn, giảm học phí, hỗ trợ trong thời gian học tại trường có lẽ chỉ thu hút được người… nghèo chứ không thu hút được người giỏi. Điều cơ bản nhất vẫn là cơ hội việc làm và tiền lương thì chưa có gì đảm bảo.

Luật Giáo dục có hiệu lực từ tháng 7.2020 quy định sẽ không còn phụ cấp thâm niên, lương giáo viên trả theo vị trí việc làm. Các khoản phụ cấp chức vụ, trách nhiệm,... sẽ được đưa vào lương theo vị trí việc làm.

Nghe thì có vẻ là một cuộc “cách mạng” để thay đổi về đồng lương giáo viên, giải quyết được bất cập về việc "cào bằng" theo hệ số cấp bậc. Thế nhưng, Luật đã có nhưng để thực thi thì lại phải chờ các quy định, hướng dẫn về chính sách cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, ít nhất là đến tháng 7.2022, thậm chí có thể dài hơn nữa.

Đó là sự chờ đợi cho một mức lương “đủ sống” chứ chưa nói đến tạo động lực, kích thích lao động, khuyến khích người giỏi vào sư phạm.

Bộ trưởng Bộ GDĐT hứa “sẽ nghiên cứu thêm các chính sách thu hút học sinh giỏi vào sư phạm”.

Nhưng sẽ là không thể đủ khi mà ngành giáo dục không phải là ngành ở Top lương cao, môi trường làm việc hấp dẫn. Liệu điều ấy có quá sức với ngành giáo dục?

Giải quyết được vấn lương và cơ hội việc làm, tự khắc ngành sư phạm sẽ thu hút được người giỏi. Xã hội chỉ phát triển mạnh mẽ khi người thầy có được vị trí xứng đáng, có cuộc sống xứng đáng.

Nếu mục tiêu chỉ là những đồng lương “đủ sống” thì khoan nói chuyện giỏi, chỉ đủ giáo viên đã là khó rồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn