MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tới lúc báo động tình trạng nghiện FaceBook. (Ảnh đồ họa)

Ngáo “phây”

ĐÀO TUẤN LDO | 22/07/2017 06:47
Năm ngoái, cả thế giới rúng động vì một bức ảnh. Đó là một ngày của năm 2016, khi bà Hillary Clinton vận động tranh cử ở một nơi nào đó. Bức ảnh cho thấy trong khi bà H.Clinton đứng vẫy tay trên bục, không một ai trong đám đông nhìn thẳng vào bà. Mọi người quay lưng, giơ điện thoại lên và cố chụp “dù chỉ một chút của mình” với hình nền là ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ.

Victor Ng, người đã đăng bức ảnh đó trên mạng xã hội chú thích rằng “Đây là năm 2016”.

2016! hay 2017! Không quan trọng. Đó chỉ là những mốc thời gian đánh dấu một thời đại mà “mọi người càng ngày càng thích được người khác nhìn thấy, thay vì nhìn vào người khác” - một “căn bệnh”, “một lối sống ảo” trực tiếp sinh ra từ mạng xã hội.

Cũng năm 2016, bệnh viện tâm thần tiếp nhận một thiếu nữ 18 tuổi mắc chứng trầm cảm, phát “tâm thần vì Facebook”. Cô bé thường xuyên thức đêm lướt face, post ảnh đếm like và những mâu thuẫn trên thế giới ảo khiến đầu óc lúc nào cũng nghe thấy ai đó đang nói.

Cô bé 18 tuổi có lẽ chỉ là một nạn nhân của chứng “nghiện face” mà chúng ta được biết.

Tháng 10.2016, trên một diễn đàn học thuật, TS Đoàn Hương lần đầu tiên nói đến căn bệnh “ngáo Face”, đam mê Facebook một cách mù quáng. Có thể, những bệnh nhân tâm thần khiến chúng ta giật mình, khi tật bệnh hiện hữu theo đúng nghĩa đen của nó. Nhưng cái đáng sợ hơn là những căn bệnh chúng ta đang mắc mà không biết, hoặc biết, nhưng chặc lưỡi rằng rút cục thì ai cũng thế.

Thử để ý xem, có đúng là chúng ta, đã trở thành vô thức, thi thoảng lại vào điện thoại một lần để kiểm tra Facebook?

Thử nhớ lại chúng ta “cúng face” ngay cả khi đang ăn! Ngay cả khi vào nhà vệ sinh! Thậm chí ngay trên giường ngủ!

Nghiện, hay “ngáo face” giờ đây phải chăng đã thành một phản xạ!

Một khảo sát của các nhà mạng năm 2015 cho thấy, với khoảng 20 triệu tài khoản, người Việt dành 2,5 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội.

Tới “năm 2016”, WeAreSocial đưa ra thống kê cho biết: Trong số 41 triệu người VN sử dụng Internet, có 30 triệu người dùng các mạng xã hội.

Các nhà quản lý có thể nhìn thấy ở đó một lượng thời gian lãng phí khủng khiếp.

Đây không phải là chuyện lo bò trắng răng. Năm ngoái, Đại học KHXH&NV Hà Nội đã tổ chức thực nghiệm “72 giờ không Facebook”. Có một chi tiết rất khủng khiếp thế này: 40% số người tham gia thực nghiệm đã không thể từ bỏ được Facebook sau 6 giờ đầu tiên!

Facebook không có lỗi vì hiện tượng “ngáo face” mà vấn đề ở những người dùng. Hãy tỉnh táo để mạng xã hội là một phần cuộc sống của bạn, chứ không phải bạn tự biến mình thành một phần của mạng xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn