MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều đường phố Đà Nẵng bị ngập nặng sau trận mưa kéo dài sáng 25.9. Ảnh: An Thượng

Ngập lụt đô thị ở miền Trung không thể đổ lỗi hết do mưa lớn

Thanh Hải LDO | 26/09/2023 12:58

Các thành phố ở miền Trung như Đà Nẵng, Tam Kỳ (Quảng Nam), Huế... đã bị ngập cục bộ ngay sau những trận mưa đầu trong đợt áp thấp nhiệt đới.

Áp thấp nhiệt đới gần bờ được dự báo sẽ gây mưa lớn các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi từ ngày 25 đến 27.9. Nhưng ngay sau những trận mưa sáng 25.9, các thành phố: Đà Nẵng, Tam Kỳ và Huế đã bị ngập úng nặng. Giao thông hỗn loạn, đi lại khó khăn. Nhiều trường học tạm đóng cửa, nhiều đường phố bị ngập, nước tràn vào nhà dân.

Lượng mưa đo được trong đợt áp thấp nhiệt đới lần này chỉ xấp xỉ 30mm đến 70mm, có nơi 100mm, nghĩa là không có gì bất thường. Cường độ mưa lần này cũng chỉ bằng 1/10 so với lần mưa trút xuống TP Đà Nẵng vào tháng 10.2022 (với lượng mưa trên 700mm). Nhưng, các đô thị vẫn bị ngập lụt nghiêm trọng, trên diện rộng.

Khắp các khu dân cư, kiệt hẻm ở giữa đô thị loại 1 - trực thuộc Trung ương là Đà Nẵng mà người dân, chính quyền phải chuẩn bị sẵn áo phao, xuồng caosu, các phương tiện cứu hộ, phòng chống lũ lụt... Nghịch lý và thật buồn.

Nguyên nhân được các địa phương lý giải là do hạ tầng đô thị cũ, hệ thống cống không đủ năng lực thoát nước với lưu lượng mưa lớn, kéo dài, rác thải gây nghẽn cửa cống...

Đây là những lý do chính xác, trực quan, ai cũng thấy. Nhưng còn có những nguyên nhân chủ quan, gây "nhân tai", ít được nêu ra, đó là lỗi quy hoạch, phát triển "nóng" đô thị không thuận tự nhiên, chưa tính đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các đô thị dù mới mở rộng, phát triển trong vòng 10-15 năm nay, nhưng mật độ xây dựng quá dày đặc. Nhiều ruộng đồng, ao hồ, kênh rạch đã bị san lấp, xây dựng đô thị mới. Trong khi quy hoạch mới nhưng lại thiếu nghiêm trọng các công viên, hồ nước điều tiết, hồ tự nhiên. Thậm chí, nhiều công viên cây xanh, dải phân cách trên các tuyến đường lớn ở Đà Nẵng cũng bị bêtông hóa. Các khoảng đất trống, thảm cỏ, cây xanh vốn quá ít, giờ cũng bị bêtông hóa, để tăng diện tích lưu thông.

Theo các chuyên gia lâm sinh, ở khu vực rừng nguyên sinh, khi mưa xuống, hơn 95% nước sẽ ngấm vào đất, mạch nước ngầm. Chỉ chưa đầy 5% tràn trên mặt đất. Nếu là đồi trọc, đất trống thì chỉ ngấm được 10%-20%.

Nhưng với thực trạng bêtông hóa đô thị như hiện nay thì mưa bao nhiêu hạt sẽ bấy nhiêu nước trôi tụt ra sông, ra biển. Trôi không kịp thì gây ngập đường phố, nhà cửa...

Bây giờ, các đô thị như Tam Kỳ, Đà Nẵng đang nỗ lực khơi thông cống rãnh, đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước, mở rộng khẩu độ cống thoát lũ... Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp chắp vá, kém hiệu quả, đã quá muộn bởi thực trạng hạ tầng đô thị toàn bêtông như hiện nay rồi.

Mưa ngập ở các đô thị ven biển, nhưng là bài học thực tiễn cho các địa phương khác, những nơi đang quá trình đô thị hóa, có tốc độ xây dựng công trình nhanh, nhiều, kể cả các thị trấn, thị xã ở miền núi, các tỉnh thành trên Tây Nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn