MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngày tăng lương và ngày của bảo hiểm y tế

ĐÀO TUẤN LDO | 01/07/2017 06:30
Hôm nay, lương cơ sở chính thức tăng thêm 90.000 đồng mỗi tháng. Song hôm nay, cũng vừa “đầy tháng” giá 1.900 dịch vụ y tế tăng kịch khung. 90.000 đồng có thể chẳng giải quyết được gì trong khi hai chữ “kịch khung” đã đẩy nhiều gia đình nghèo không có thẻ BHYT xuống mức nghèo hơn.
Cũng cần phải nhắc thêm, hôm nay (1.7) chính là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam.
Một bài báo nhỏ ít người để ý kể lại nỗi bế tắc của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Hương ở An Giang như sau: Cháu V.H.M (13 tuổi) bị khối u não, nhập viện BV Nhi đồng 1 TPHCM đã 40 ngày. 2 lần mổ, với 35-40 triệu đồng/ca, chưa kể những phụ phí đã khiến gia đình chị chỉ còn cách duy nhất là ngồi chực chờ xin giúp đỡ trước cửa Phòng Công tác xã hội của BV.
Chị Hương “ai mướn gì làm nấy rày đây mai đó”! Cháu M, không có thẻ BHYT thuộc vào diện “chi phí cho y tế ở vào mức thảm họa”.
“Chi phí y tế thảm họa” là từ dùng trong báo cáo “Gánh nặng chi phí cho y tế từ tiền túi và bảo vệ tài chính tại Việt Nam 1992-2014”! Theo đó, có khoảng 550.000 gia đình Việt Nam đang phải chi cho chi phí y tế bằng hoặc trên 40% khả năng chi trả. 400.000 trong đó rơi vào tình trạng “nghèo hoá sau khi chi trả y tế”!
Vẫn biết việc tăng viện phí là đã có lộ trình. Nhưng việc 1.900 dịch vụ y tế tăng giá, với mức bình quân từ 20-40%, cá biệt có những dịch vụ tăng 200-300% đang thực sự tạo ra gánh nặng không thể vượt qua, thậm chí đến mức bế tắc như trường hợp gia đình người phụ nữ An Giang nọ.
Mới chỉ một tháng thôi, còn quá sớm để có một con số thống kê mới, chỉ chắc chắn nó không phải, không thể là một phép trừ khi mà 20% dân số chưa có thẻ BHYT đang phải chịu tác động trực tiếp.
Phủ khắp BHYT đang là một biện pháp mà cả ngành y tế cũng như BHXH đang hướng tới.
Hôm qua, nhân ngày BHYT Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: BHYT là một chính sách xã hội đặc biệt quan trọng mang tính nhân văn sâu sắc. Nó vừa là một trụ cột cơ bản của chính sách tài chính y tế quốc gia, vừa là một trụ cột trong tổng thể chính sách an sinh xã hội với bản chất của một phương thức chia sẻ, tương trợ lẫn nhau trong xã hội tiến bộ, giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng về chi phí khám-chữa bệnh.
Nhưng suy cho cùng, căn cơ để hạn chế tình trạng “Chi phí y tế thảm họa” thì bên cạnh việc khuyến khích người dân tham gia BHYT, kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nhiệt tình tham gia hỗ trợ, mua và tặng thẻ BHYT cho những người dân đang còn gặp khó khăn... phải tìm cách giảm chi tiêu y tế từ tiền túi của dân.
Việt Nam đang thuộc vào diện các nước đang phát triển với GDP bình quân thu nhập đầu người thấp của thế giới. Trong khi đó, tỉ lệ chi phí y tế chiếm tới 54,8%, đang gấp tới 3 lần trung bình thế giới.
Chi phí dành cho y tế 6,6%, ngót 190.000 tỉ đồng là không thấp so với các quốc gia khác. Xin hãy sử dụng những đồng tiền ấy xứng đáng, sử dụng có hiệu quả, hơn là việc “điều chỉnh” theo hướng tiếp tục đánh vào túi cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn