MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cả nước có hơn 40 ngàn cán bộ, công chức nghỉ việc. Ảnh: Hải Nguyễn

Nghề “làm cán bộ” và “ông nọ, bà kia” không còn là lựa chọn hàng đầu

Hoàng Văn Minh LDO | 31/05/2023 18:36

Nhiều địa phương trên cả nước, như huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam đang khủng hoảng vì thiếu cán bộ làm việc do tuyển dụng không ra người.

Ông Lê Đức Hảo, Trưởng phòng Nội vụ huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thông tin báo động: Nam Trà My hiện nay chỉ tiêu biên chế ngạch công chức là 90 người, nhưng chỉ sử dụng được 73 chỉ tiêu, còn trống 17 chỉ tiêu. Viên chức ngành giáo dục hiện chỉ có khoảng 600 người trên tổng số chỉ tiêu biên chế 800 vị trí.

Năm 2023, có 1 trường hợp trúng tuyển công chức ở huyện nhưng không đến nhận quyết định, 1 trường hợp đã trúng tuyển, lên làm việc được 3 ngày rồi xin nghỉ luôn.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nam Trà My với 70 đầu việc thường xuyên, được giao biên chế 7 người, nhưng hiện nay chỉ có 4 người đang làm việc...

Cả nước, hiện có hàng chục, hàng trăm "Nam Trà My”, bởi theo thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ, con số cán bộ công chức nghỉ việc đã hơn 40 nghìn người, trong đó chiếm gần 30% là cán bộ công chức ngành Y tế.

Một thời, trong hồ sơ để đi công tác nước ngoài của rất nhiều cán bộ công chức, ở phần “nghề nghiệp” sẽ được ghi là “cán bộ”. Thậm chí có lãnh đạo của một thành phố ở miền Trung còn ghi nghề nghiệp là “chủ tịch thành phố”!

Trước hết, đó là sự nhầm lẫn về chữ nghĩa giữa nghề nghiệp cá nhân và vị trí, chức danh nghề nghiệp… trong một tổ chức. Tuy nhiên trong sâu thẳm của tiềm thức, được “làm cán bộ” hay ông nọ, bà kia ví như “chủ tịch thành phố” là một khát khao truyền đời của số đông người dân. Điều này được đúc kết qua câu ca dao rằng “cha mẹ chài lưới trên sông/đứa con thi đỗ làm ông trên bờ”.

Thế hệ 8X về trước, nếu sinh ra ở nông thôn thì chỉ có một công thức duy nhất được bố mẹ đưa vào đầu tư từ nhỏ là cố gắng học giỏi – ra trường làm cán bộ/"làm quan" – đổi đời.

Thậm chí có thời gian, được/phải vào biên chế nhà nước dù ở miền núi xa xôi là một mệnh lệnh, một khát khao, là lối thoát gần như duy nhất để rồi có rất nhiều người phải bỏ ra một số tiền để “chạy” có khi bằng cả đời nhận lương cộng lại.

Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, nhất là sau biến cố dịch COVID-19, cảm giác như gió đã đổi chiều mạnh mẽ và nghề “làm cán bộ” hay ông nọ bà kia không còn là khát khao và lựa chọn hàng đầu, duy nhất, không chỉ của những học sinh, sinh viên khi chọn nghề.

Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến hơn 40 nghìn cán bộ công chức nghỉ việc dẫn đến nhiều địa phương, bộ ngành… khủng hoảng vì thiếu cán bộ như Nam Trà My ai cũng biết là do lương và các chế độ đãi ngộ quá thấp, không đủ nuôi sống bản thân.

Trong khi chỉ cần “thoát biên chế”, thoát hai chữ "cán bộ" là họ có ngay công việc và mức thu nhập cao hơn, lại được tự do, không ràng buộc.

Nhưng làm sao để có lương và đãi ngộ cao cũng như môi trường làm việc tốt để giữ chân cán bộ, để trúng tuyển xong thì đến nhận quyết định và không còn cảnh sau 3 ngày làm việc thì xin nghỉ luôn như ở Nam Trà My thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời xác đáng, dù vấn đề đã được đặt lên bàn họp Quốc hội từ kỳ họp năm ngoái và Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng từ năm trước cho biết đã lên lộ trình cải cách.

Và thực tế của ngành Y tế, là 10 -15 năm nữa, trạm y tế cơ sở sẽ không còn bác sĩ nếu không có chính sách điều chỉnh phù hợp như vừa nêu ở Quốc hội, xem ra vẫn còn rất lạc quan nếu so với thực trạng chung là nhiều địa phương đang thiếu trầm trọng cán bộ để chạy việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn