MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory (Nghệ An) trở lại làm việc sau khi ngừng việc tập thể. Ảnh: QĐ

Nghiêm khắc xử lý hành vi kích động ngừng việc tập thể với động cơ xấu

QUANG ĐẠI LDO | 17/02/2022 16:36
Nếu đình công, ngừng việc tập thể lan rộng sẽ gây nên những thiệt hại, hệ lụy tiêu cực đối với doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế.

Sau kì nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đã xảy ra nhiều vụ ngừng việc tập thể tự phát tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Bắc Ninh…làm dấy lên lo ngại về “phản ứng dây chuyền” của hiện tượng này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy.

Nguyên tắc cơ bản của quan hệ lao động là bình đẳng và tự nguyện. Doanh nghiệp thông báo, người lao động có nhu cầu tự nguyện xin vào làm việc. Trước khi làm việc, công nhân đã tìm hiểu về doanh nghiệp, điều kiện lao động, các chế độ lương bổng, phụ cấp, khen thưởng, kỉ luật lao động…

Đặc biệt, công nhân là đã tự nguyện ký vào hợp đồng lao động, có rất nhiều điều khoản cụ thể thì mới phát sinh quan hệ lao động. Doanh nghiệp phải bỏ chi phí đầu tư và chấp nhận rủi ro về kinh tế, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm, thu nhập.

Người lao động cũng tạo ra giá trị lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật, nhà nước sẽ xử lý.

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động, công nhân có thể phản ánh, kiến nghị, khởi kiện. Hoặc đơn giản nếu thấy không thích, có nơi làm việc khác tốt hơn, thì công nhân có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Còn bất ngờ kêu gọi ngừng việc tập thể tự phát là lợi dụng điểm yếu của doanh nghiệp, dùng sức ép tập thể buộc doanh nghiệp phải thực hiện các yêu sách của công nhân. Doanh nghiệp bị đẩy vào thế khó và chịu thiệt hại vô cùng lớn. Nếu doanh nghiệp có 10 nghìn công nhân, họ nghỉ việc 1 ngày mà vẫn phải trả lương, tương đương với số tiền bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng (200 nghìn/công).

Chưa nói đến trường hợp vi phạm hợp đồng với đối tác bị xử phạt, thì thiệt hại có khi phải tính đến hàng trăm nghìn, hàng triệu USD. Hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp rơi vào thế chẳng đặng đừng nên phải nhượng bộ, nhưng sẽ làm phát sinh tâm lý e ngại, không có thiện cảm với người lao động.

Ngừng việc tập thể thường gắn liền với các nhân tố, đối tượng đứng đằng sau chỉ đạo, kích động, không loại trừ cả âm mưu, động cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau và các động cơ khác. Đã có trường hợp người lao động không tham gia ngừng việc tập thể, muốn đi làm thì bị một số đối tượng ngăn cản hoặc đe dọa.

Ngừng việc tập thể lan rộng sẽ rất nguy hiểm và đe dọa đến an ninh trật tự xã hội, hậu quả nhà đầu tư, người lao động và nhà nước đều thiệt hại, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng.

Do đó cần xử lý nghiêm khắc các hành vi kích động ngừng việc với động cơ xấu, ngăn cản, đe dọa người lao động đi làm.

 Nói vậy không có nghĩa là dập tắt đình công, ngừng việc bằng mọi giá, thỏa hiệp để trù dập, gây thiệt thòi người lao động. Vấn đề là cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định của pháp luật, để tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động.

Đồng thời cần tăng cường đối thoại, minh bạch thông tin để tạo nên sự đồng thuận, chia sẻ giữa người lao động và doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn