MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa cơm vội, ăn đứng của một tài xế container nông sản bị tắc ở cửa khẩu giữa thời tiết 8 độ C. Ảnh: Trần Tuấn

Nghìn container nghẽn ở cửa khẩu, lại nhớ câu: “Nhờ mày” hay "vì mày"!

Đào Tuấn LDO | 13/02/2022 09:09

Khi hàng nghìn container nông sản tắc kín khắp các cửa khẩu, có người giỡn chơi: Nếu muốn hết kẹt, cứ cấm không cho xe lên. Không ngờ Lạng Sơn làm thật khi “tạm dừng tiếp nhận” xe chở nông sản.

Văn bản “chống kẹt” này được Sở Công Thương Lạng Sơn gửi tới Sở Công Thương các tỉnh, thành. Theo đó, sẽ tạm dừng chính thức từ ngày 16.2 tới. Và nguyên do, tới giờ có tới 1.390 container đang kẹt, đang tắc.

Ừ thì thông cảm cho Lạng Sơn! Một địa phương, nỗ lực cách mấy cũng chưa đủ “tầm”, đủ lực để có thể thông thương quốc tế!

Ừ thì việc chống kẹt bằng cách tạm dừng tiếp nhận xe nông sản là vạn bất đắc dĩ.

Nhưng mà chống kẹt bằng cách tạm dừng có khác gì chống tắc đường bằng cách cấm tiệt xe cộ?!

Địa phương không đủ tầm, đủ lực  thế thì ai mới đủ?

Nhớ hôm thăm nông dân Bạc Liêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đưa ra hình ảnh dòng người miền Tây rồng rắn đi Bình Dương với tấm áo in hình con tôm, con cua với dòng chữ “Vì mày mà tao đi Bình Dương làm lại từ đầu”.

Và ông biểu dương mô hình hợp tác xã An Khang bằng cách đề nghị in áo với dòng chữ “Nhờ mày mà tao không đi Bình Dương”.

Nông dân mình, cần cù chịu khó. Bao đợt khủng hoảng kinh tế, chính cây trái, rau màu, thóc lúa, con tôm con gà con heo đã trở thành bệ đỡ cho cả nền kinh tế.

Nhưng giờ đây, ở những vựa thanh long, giá có thời điểm rớt xuống chỉ còn 500 đồng/kg. Ở những vựa cây trái, giá mít Thái xuống còn 1.000 đồng/kg. Còn thóc lúa ư? Từng có tính toán tới từng xu: “1 sào bình quân thu về 2,5 tạ lúa. Với giá lúa sáu mươi thì được 1,5 triệu đồng. Trừ chi phí gặt 130k (nghìn đồng), lúa giống 60k, thuốc trừ sâu 50k, lân đạm Kali 2 đợt 200k. Cày bừa 170k. Thuế ruộng, dự đồng 100k. Chưa kể công đi gieo, làm bờ... tổng 720k. Lãi 780k/sào cho 4 tháng”.

Và “đến hẹn lại lên” là cảnh được mùa mất giá. Còn ùn tắc ở cửa khẩu ư? Hết năm này qua năm khác.

Nông dân nói “vì mày” chính là vì họ làm ra những sản phẩm tốt, nhưng đang phải bán với giá rẻ mạt, đang bị lệ thuộc rất lớn vào một thị trường xuất khẩu.

Họ còn cách gì khác hơn là bỏ quê lang bạt mưu sinh khắp nơi.

1 triệu người vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã “đi Bình Dương”- con số được chính Bộ trưởng Lê Minh Hoan công bố.

Nhưng để có thể “nhờ mày”, thay cho “vì mày”, để nông dân không phải bỏ quê mà đi thì chỉ sản xuất giỏi thôi chưa đủ.

Bởi việc “bán hàng”, xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới là yếu tố quyết định để nông dân có thể “nhờ mày”.

Mà những việc đó, hình như lại không chỉ là việc của các doanh nghiệp, của người nông dân, của người lao động mà vai trò quyết định lại nằm ở các bộ, ngành, các nhà quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn