MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ muốn giỏi ngoại ngữ không cần những đề án tốn tiền bạc, cứ học như những đứa trẻ đang luyện IELTS. Ảnh minh họa: Anh Nhàn

Ngoại ngữ của cán bộ: Ông hỏi gà bà đáp vịt

Anh Đào LDO | 13/01/2022 21:08

“Tiếu lâm thời @” có chuyện “Tôi hỏi một cán bộ là Where do you go thì ông ấy trả lời: Tôi không đi câu”.

Hôm qua, tại hội nghị của ngành Nội vụ, Thủ tướng có một phát biểu rất thú vị về sự máy móc và hình thức: “Phong trào học ngoại ngữ là rất tốt... nhưng máy móc ở chỗ đáng lý khu vực dân tộc phải học tiếng dân tộc để lăn lộn, để hiểu bà con thì lại yêu cầu có chứng chỉ tiếng Anh”. Thủ tướng mở ngoặc thêm: “Mà tôi đọc hồ sơ anh nào cũng có chứng chỉ tiếng Anh cả, nhưng khi hỏi “Có khỏe không?” thì lại bảo quê ở chỗ này… Tóm lại là nó rất hình thức”.

Chứng chỉ ngoại ngữ từng như một yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ cán bộ. Tất tật, bất kể công việc, môi trường làm việc. Nói như Thủ tướng “Hồ sơ anh nào cũng có”. Nhưng có chứng chỉ không hề đồng nghĩa với việc có thể sử dụng ngoại ngữ.

Hồi ở Tây Hồ, Hà Nội xảy ra một số vụ quấy rối người nước ngoài, VOV dẫn lời một nạn nhân- chị G.S, 28 tuổi, quốc tịch Anh - nói đã đến công an phường trình báo nhưng “Rào cản ngôn ngữ khiến tôi không thể diễn đạt để họ hiểu”. Còn đại diện công an một phường thì cũng nói tới “cái khó” rào cản ngôn ngữ. “Khó” đến mức phải cậy nhờ “sự giúp đỡ của một số tình nguyện viên phiên dịch” để “nắm được vụ việc”.

Hoá ra những câu chuyện tiếu lâm “Tôi không đi câu” không hề là tiếu lâm trong thực tế.

Cũng trong hội nghị của ngành Nội vụ hôm qua, có một con số được đưa ra, đó là việc Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất để bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức.

Nói thành tích không sai khi nó cởi bỏ được gánh nặng cho những người bị tác động chính sách.

Và nói như Thủ tướng, nó cũng bỏ đi được một sự “rất hình thức”. Hình thức đến mức một câu hỏi vỡ lòng đơn giản nhất cũng không hiểu.

Nhưng ngoại ngữ không có tội. Những gì hình thức thì cần bỏ, nhưng không có nghĩa là bỏ không học ngoại ngữ khi, đối với một số khu vực nhà nước, cơ quan công quyền chẳng hạn, ngoại ngữ vẫn phải là bắt buộc.

Chúng ta có hẳn đề án quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ với mục tiêu 40- 50% cán bộ cấp huyện, tỉnh, trung ương của hệ thống công vụ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; 15% đến 20% cán bộ công chức cấp xã có thể sử dụng thành thục ngoại ngữ.

Nhưng để câu chuyện ngoại ngữ của cán bộ không rơi vào tình trạng ông hỏi gà bà đáp vịt thì sự thay đổi, suy cho cũng phải bắt đầu từ cách học, cách thi. Mà chẳng cần học đâu xa: Trẻ con vẫn đang luyện thi IELTS hàng ngày đấy thôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn