MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
45.000 tàu cá nằm bờ khi giá dầu đã tăng tới 65%. Ảnh: Trần Tuấn

Ngư dân “chết lên chết xuống”, bộ ngành thì để Thủ tướng cầm tay chỉ việc

Anh Đào LDO | 07/07/2022 15:31

“2 năm dịch bệnh, ngư dân đã rất khổ vì không ra khơi đánh bắt được. Tiếp đến năm nay lại "bão" giá xăng dầu, ngư dân làm ăn thất thu, chết lên chết xuống"- tâm sự một lão ngư dân.

Cuối cùng, vẫn lại phải là Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo về hỗ trợ ngư dân ảnh hưởng do giá xăng, dầu.

Và người đứng đầu Chính phủ nhìn ở cả giác độ sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Cả ở giác độ tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Giá diesel 0.05S, nguyên liệu chính cho những con tàu vươn khơi đã tăng tới 65%.

Với 330 triệu lít/tháng, ngư dân đang phải gánh thêm 3.776 tỉ đồng chi phí mỗi 30 ngày.

Chưa kể giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng 10-15%.

40 đến 55% trong tổng số 91.716 tàu cá đang “nằm bờ”.

Những con số xót xa đến nhức nhối.

Nhưng cho đến trước khi Thủ tướng phải đích thân có ý kiến thì các bộ ngành vẫn chỉ hứa lèo về sự hỗ trợ “Trong trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao, giá nguyên liệu thế giới tăng cao, hoặc giá xăng dầu tăng quá cao”.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương hôm nay vừa có kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cùng các bộ ngành, địa phương liên quan rà soát, cân đối, bố trí ngân sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.

Theo báo Tuổi trẻ: Hình thức hỗ trợ được Bộ Công thương đề xuất không phải là hỗ trợ cho thuyền viên làm việc trên tàu cá đang ngừng hoạt động, mà là hỗ trợ bằng tiền. Theo đó ngân sách nhà nước sẽ bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu năm 2022 đối với loại xăng dầu ngư dân sử dụng.

Và thời hạn thực hiện là “đến hết năm 2022”.

Tàu cá đã nằm bờ suốt từ đầu năm. Bão giá suốt từ đầu năm. Chi phí đầu vào tăng 35-48% suốt từ đầu năm. Không ai ra khơi khi mà “lỗ chồng lỗ”, khi mà “biết chắc lỗ” cả.

Và kể cả sau khi Thủ tướng chỉ đạo thì bộ nọ kiến nghị giao cho bộ kia. Rồi không khéo đến mai bộ rồi bộ kia lại đề xuất bộ nọ.

Cái quy trình chính sách này sẽ còn kéo dài đến bao giờ để có thể  thật sự có một chính sách hỗ trợ?

Từ khi có chính sách đến khi tiền tới tay ngư dân sẽ lại mất thêm bao nhiêu thời gian? 3 tháng? 4 tháng? Như với gói hỗ trợ người lao động thuê nhà?!

Không khéo kiểu làm chính sách vòng vòng này đến “tháng mười”, thậm chí cuối năm cũng chẳng xong nổi. Trong khi thì như lão ngư dân nửa thế kỷ bám biển đã nói “ngư dân chết lên chết xuống”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn