MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quảng Trị quy định phải xin lỗi dân bằng văn bản nếu giải quyết hồ sơ chậm trễ. Ảnh: H.T.

Người dân, doanh nghiệp cần được giải quyết hồ sơ, hơn là nhận lời xin lỗi

Lê Thanh Phong LDO | 03/01/2024 06:12

Ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - đã trao đổi với Lao Động về việc chấn chỉnh, khắc phục một số tồn tại, hạn chế về công tác cải cách hành chính năm 2023 vừa qua. Trong đó có nội dung xin lỗi dân bằng văn bản, không chỉ là lời nói suông.

Ông Lê Đức Tiến cho biết cụ thể: "Tiếp tục thực hiện nghiêm việc xin lỗi bằng văn bản khi có hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn trong giải quyết và trả hồ sơ cho người dân, tổ chức. Đối với hồ sơ liên thông bị trễ hạn do cơ quan phối hợp, đề nghị cơ quan chủ trì giải quyết thông tin hành chính thống kê, theo dõi, đôn đốc các cơ quan có liên quan bảo đảm thời hạn giải quyết theo quy định”.

Đây là một cách thức quản lý công việc của cán bộ, công chức. Nếu giải quyết quá hạn thủ tục hành chính thì xin lỗi dân là việc phải làm. Nhưng nếu chỉ nói suông thì "lời nói gió bay", còn xin lỗi bằng văn bản là "bút sa gà chết".

Cán bộ có thể xin lỗi một lần, thậm chí hai lần, nhưng chẳng lẽ xin lỗi nhiều lần. Nếu như vậy chứng tỏ cán bộ đó không làm việc được, không hoàn thành nhiệm vụ. Những thư xin lỗi là bằng chứng về năng lực, trách nhiệm của từng người thực thi công vụ.

Tháng 8.2023, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa đã có chỉ đạo, yêu cầu nhiều xã, phường báo cáo giải trình về việc tiếp nhận giải quyết các hồ sơ quá hạn tại địa phương mình. Sau chỉ đạo của Chủ tịch thành phố, các trường hợp chậm trễ trong việc xử lý thủ tục hành chính ở các phường, xã, đại diện các địa phương này đã có thư, phiếu xin lỗi gửi tới từng hộ dân và mong người dân thông cảm, chia sẻ.

Xin trích nội dung một thư xin lỗi: "Sự chậm trễ này gây phiền hà, tốn kém chi phí, công sức đi lại của ông, nên tôi làm phiếu này xin lỗi ông và mong muốn được ông đóng góp ý kiến để tôi được hoàn thiện hơn trong công việc".

Nội dung rất tôn trọng dân, thấy được lỗi của mình gây thiệt hại cho người dân. Đó là điều tốt, dân cũng được "mát lòng, mát dạ".

Nhưng, như đã nói trên, nếu cứ lặp đi lặp lại thư xin lỗi thì cuối cùng đó cũng chỉ là hình thức. Thư xin lỗi như "văn mẫu", cán bộ chỉ thay tên người nhận và văn phòng gửi đi, như xong một việc thủ tục, thì đó là việc vô ích. Xin lỗi phải từ lòng thành, nhận trách nhiệm và sửa đổi, đó mới là thực chất.

Xin lỗi phải đi liền với cam kết, không chỉ với người dân, doanh nghiệp, mà với lãnh đạo đơn vị, đó là không để tiếp tục xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc xử lý thủ tục hành chính.

Người dân sẵn lòng ghi nhận và thông cảm với cán bộ, công chức khi có những sai sót, chậm trễ, nhưng không thể chấp nhận coi việc xin lỗi như một cách đối phó.

Người dân, doanh nghiệp cần một lần làm thủ tục hành chính là được giải quyết nhanh gọn, hơn là nhận nhiều lần những lá thư xin lỗi vô tâm, vô hồn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn