MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên phòng khám T - Masuoka, đang tư vấn cho khách hàng về gói dịch vụ tầm soát đột quỵ. Ảnh: Nhóm PV.

Người dân không nên “đốt tiền” cho dịch vụ tầm soát đột quỵ

Hoàng Văn Minh LDO | 16/12/2023 11:47

“Gieo rắc nỗi lo đột quỵ để bán gói tầm soát giá cao” hay “Loạt cơ sở y tế vẽ nguy cơ, bán gói tầm soát đột quỵ moi tiền khách hàng” là những bài điều tra đang gây xôn xao dư luận của Báo Lao Động.

Các ca đột quỵ gia tăng và độ tuổi của những người đột quỵ ngày càng “trẻ hóa”, thậm chí có những đứa trẻ mới sinh cũng bị đột quỵ… là một thực tế rất đáng báo động ở Việt Nam thời gian qua.

Tuy nhiên, theo như điều tra của Báo Lao Động thì hiện ở Hà Nội có rất nhiều cơ sở y tế từ tư nhân cho đến công lập đã lợi dụng thực tế này để “gieo rắc” nỗi sợ hãi, để rồi mời chào khách hàng tham gia các gói tầm soát đột quỵ giá cao.

Các gói tầm soát có giá từ 5 triệu đồng cho đến 65 triệu đồng với rất nhiều dịch vụ. Trong đó, nhiều xét nghiệm phức tạp, chi phí tốn kém như chụp MRI, CT... thường được chỉ định trong các trường hợp đặc biệt cũng bị lạm dụng để thu phí.

Đáng nói là trái với quảng cáo, trao đổi với Lao Động, các bác sĩ tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hầu hết, các xét nghiệm được tư vấn trong gói khám không có nhiều hiệu quả trong phát hiện sớm đột quỵ với người khoẻ mạnh.

Những dịch vụ như chụp CT, MRI chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tránh gây tốn kém số tiền lớn cho người bệnh.

Tầm soát sức khỏe nói chung là chuyện nên làm. Tuy nhiên tầm soát đột quỵ như điều tra của Báo Lao Động là không cần thiết, là “đốt tiền” vô ích.

Bởi đột quỵ não thường đến đột ngột và không có gì báo trước, do vậy, chuyện chúng ta khám dự phòng đột quỵ não sớm khi không có yếu tố nguy cơ là không được khuyến cáo vì không mang lại hiệu quả.

Và cách phòng tránh đột quỵ tốt nhất vẫn là sự khoa học, điều độ trong ăn uống, sinh hoạt, lao động, thể thao… nhằm hướng đến một cơ thể khỏe mạnh cả thân, tâm và trí.

Cách tư vấn, chào bán các gói tầm soát đột quỵ như các cơ sở y tế tư và công ở Hà Nội đang làm, đúng như Báo Lao Động đã gọi tên là “gieo rắc sợ hãi”, “tô vẽ nguy cơ” để “moi” tiền của người dân một cách vô tội vạ.

Và đáng nói là sự “gieo rắc” hay “tô vẽ” như thế này, thực tế không chỉ có mỗi ở Hà Nội mà đã xuất hiện ở nhiều cơ sở y tế công và tư khác ở nhiều địa phương trong cả nước. Đây là hành vi và cách làm ăn rất đáng lên án.

Nên một mặt, Thanh tra Y tế các địa phương cần sớm vào cuộc để kiểm tra, chấn chỉnh, cũng như có khuyến cáo chi tiết, rộng rãi về các gói tầm soát đột quỵ cũng như nhiều gói tương tự khác để bảo vệ quyền lợi cho người dân cũng là bảo vệ uy tín cho chính ngành Y tế.

Một mặt, người dân cũng cần chậm lại một chút để cân nhắc với những thông tin và phương pháp chữa bệnh hiện không chỉ tràn ngập trên mạng xã hội mà còn cả trong các cơ sở y tế từ công đến tư để trước hết tự bảo vệ thời gian, công sức và quan trọng nhất là túi tiền của mình.

Bỏ tiền chi trả cho các gói dịch vụ tầm soát đột quỵ là một cách "đốt tiền" và có khi không khéo còn tiền mất tật mang!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn