MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiểm tra giấy đi đường Ảnh: PV

Người dân không thể ăn gạo thay cơm nếu không có gas

Lê Thanh Phong LDO | 24/08/2021 10:59

Trong đợt giãn cách này, người dân được các tổ công tác đặc biệt và lực lượng quân đội  "gõ từng nhà, rà từng địa chỉ" để đưa thực phẩm, túi y tế. Nhưng có nhiều thứ thiết yếu khác cần phải có dịch vụ cung cấp, chẳng hạn như gas.

Người dân trữ lượng thực thực phẩm, nhưng không ai trữ gas. 

Ngày đầu thực hiện giãn cách 23.8, nhiều nhà hết gas, gọi cửa hàng dịch vụ, nhưng người vận chuyển bị chặn không cho qua chốt.

Tình huống này, lực lượng chốt chặn thực hiện đúng, vì người chở gas không có giấy đi đường. Chấp hành không cho người dân tự ý đi ra đường là đúng, vì đó là quy định phòng dịch.

Nhưng xét về thực tế, lại chưa phù hợp, vì người dân phải có gas mới sống được, có thịt cá, có gạo có rau, mà không có gas thì không thể "ăn chín uống sôi" được.

Và cuộc sống, sinh hoạt của người dân không chỉ là "cơm ăn áo mặc", mà còn nhiều thứ "thiết yếu" khác. Thiết yếu không chỉ là lương thực, nó tùy theo nhu cầu mang tính khẩn cấp đối với từng hộ gia đình, từng cá nhân, từng tổ chức.

Ở yên trong nhà để phòng dịch nhưng rất nhiều người phải làm việc để hoạt động kinh tế xã hội được vận động, cuộc sống vẫn phải "sống".

Ví dụ, người dân ở yên trong nhà, nhưng không phải ngồi chơi mà nhiều người làm việc, có người hỏng máy tính, có người hư ổ điện, lúc đó cần mua thiết bị thay thế hoặc đưa đến cửa hàng sửa chữa. Những việc này bộ đội không làm thay được, cần có dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của đời sống.

Ngày 23.8, ngoài 17 nhóm đã quy định trước, TPHCM bổ sung điều chỉnh cho phép 3 nhóm đối tượng được ưu tiên và không yêu cầu giấy đi đường khi qua chốt, trong đó có nhân viên hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực thực phẩm) có thẻ nhân viên và giấy xác nhận công tác của đơn vị. Riêng nhóm đối tượng này chỉ áp dụng cho đến khi có giấy đi đường do Công an TPHCM cấp.

Dân ở yên trong nhà, nhân viên của công ty làm việc tại chỗ, tuyệt đối không bước ra đường, nhưng cuộc sống của 10 triệu dân với nhu cầu thiết yếu khác nhau, cần phải được đáp ứng ở mức tối thiểu.

Grab có thể vận chuyển hàng hóa thực phẩm, nhưng có thể vận chuyển một chiếc laptop đi sửa chữa không?

Một công ty tập trung nhân viên làm việc "3 tại chỗ", nhưng nếu hư hỏng một thiết bị cần có cái mới để thay thế, có thể gọi mua và đại lý ship đến tận công ty được không?

Cho nên, cần phải điều chỉnh các nhóm đối tượng được tham gia phục vụ các nhu cầu thiết yếu phù hợp với thực tế. Không cấp giấy đi đường tràn lan, nhưng không thể hạn chế đối tượng phục vụ đời sống xã hội thực sự.

Tất nhiên, dù nhóm đối tượng nào, thì cũng chỉ ưu tiên cho người đã tiêm vaccine, và thực hiện đúng các quy định phòng dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn