MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh lựa chọn mua sách giáo khoa tại một nhà sách ở Hà Nội. Ảnh: Sơn Tùng

Người dân trông chờ ĐBQH đẩy mạnh giám sát giáo dục

ANH ĐÀO LDO | 23/10/2017 13:00
Sau 4 năm đòi hỏi đổi mới giáo dục với không biết bao nhiêu trong khoản tín dụng trị giá 80 triệu USD đã được giải ngân, hôm qua, một cuộc tranh luận mới lại nổi lên cho biết những vấn đề cũ rích không hề suy chuyển: Bà ngoại đi xe máy thì tại sao học sinh lại phải miêu tả tóc bạc, lưng còng, tay run run sâu kim.

Thưa các vị ĐBQH, vào ngày 28.11.2014, tại kỳ họp thứ 8 QH khóa XIII, chính các vị ĐBQH đã bấm nút thông qua Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, đổi mới SGK giáo dục phổ thông. Nhân dân kỳ vọng biết bao khi ngay tại Điều 2, mục tiêu của đổi mới đã được ghi rất rõ: Nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện...

Sau 4 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại xin hoãn, xin kéo dài, xin lùi thời điểm đổi mới.

Sau 4 năm, những cuộc tranh luận xã hội lại nổ ra xung quanh cách mà chúng ta giáo dục học sinh. Chẳng hạn chuyện bà ngoại vẫn khỏe, vẫn đi xe máy nhưng chúng ta lại bắt học trò phải tả bà ngoại y sì như văn mẫu. Tức là tóc phải bạc. Khuôn mặt phải phúc hậu. Lưng phải còng... Tả khác đi, tức là lạc đề. Đó là giáo dục “nhồi sọ”. Đó là triệt tiêu toàn bộ khả năng sáng tạo. Đó là loại trừ hoàn toàn thực tế ra khỏi giáo dục. Là người bấm nút, các ĐBQH hẳn đã đọc nội dung chương trình đổi mới. Nhưng nó đổi mới như thế nào thì thật khó nói. Thầy Trần Tuấn Đạt từng nhận xét, tiếng là giảm tải nhưng tổng số tiết một tuần vẫn là 29 thì không hề giảm.

Và thầy Đạt nói ông “hoàn toàn thất vọng”. Thất vọng vì chưa có nhận thức đúng về bản chất, mục đích, nhiệm vụ giáo dục. Thất vọng vì định hướng sai về chương trình, phương pháp giảng dạy và hình thức thi cử. Thất vọng về hậu quả “dạy giả”, “học giả”, nhồi nhét, đánh đố, khoa trương hình thức... Thất vọng vì học sinh phải học nhiều nhưng vẫn thiếu tư duy khoa học, con người chỉ lớn lên chứ không trưởng thành lên được...

Có thể, chính vì những cái đó, cho nên Bộ Giáo dục và Đào tạo xin lùi đổi mới. Nhưng cũng chính vì thế, không có bất cứ tín hiệu nào cho thấy đổi mới sẽ thực sự là đổi mới khi mà hai chữ “đổi mới” chỉ là đổi tên, xáo trộn, luẩn quẩn.

Nhân dân trông chờ biết bao nhiêu vào những đại biểu của mình, với hy vọng các vị sẽ giám sát hơn, sẽ có tiếng nói hơn, sẽ đấu tranh hơn để thế hệ trẻ của chúng ta có cơ hội thoát khỏi thân phận “chuột bạch”. Kỳ họp này, các vị ĐBQH sẽ phải bấm nút trước một vấn đề liên quan đến hàng triệu học sinh, đến nhân dân cả nước. Cử tri nhân dân hy vọng đó không chỉ là động thái bấm một cái nút đâu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn