MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại công sở ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Người tài mấy cũng không thể một mình tự cống hiến

Hoàng Văn Minh LDO | 24/10/2023 20:22

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chính sách thu hút và trọng dụng người tài vào cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo dự thảo này thì người tài được tuyển dụng vào cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng nhiều ưu đãi rất lớn về chính sách về môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc.

Chính sách về quy hoạch, bổ nhiệm; chính sách về tiền lương, chế độ phúc lợi (trong đó có quy định: được ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn (nếu có); chính sách về tôn vinh, khen thưởng; các chế độ ưu đãi khác theo quy định của từng bộ, ngành, địa phương.

Dự thảo đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến là một bước tiến rất quan trọng trong tìm giải pháp để thu hút, giữ chân người tài cũng như ngăn chặn làn sóng cán bộ công chức nghỉ việc trên cả nước thời gian qua.

Ví như Thủ đô Hà Nội đang là 1 trong 10 địa phương có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất trong 1 năm qua.

Và chỉ tính trong thời gian từ ngày 1.7.2022 đến ngày 30.6.2023, tổng số công chức, viên chức thôi việc trên địa bàn cả nước là 18.991 người (bình quân lên tới gần 1.600 công chức, viên chức nghỉ việc mỗi tháng, cao hơn bình quân hơn 1.300 người/tháng trong giai đoạn 1 năm trước.

Số viên chức này chủ yếu là viên chức sự nghiệp giáo dục - đào tạo (chiếm 54,2%) và sự nghiệp y tế (chiếm 26,5%).

Trong đó, các địa phương có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất là Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang (tổng số là 7.336 người, chiếm 38,63%).

Nhưng ở các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, nếu chỉ có chính sách để thu hút và ưu đãi mỗi người tài thôi thì vẫn chưa đủ.

Bởi lý do rất đơn giản là “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Trong hai môi trường này, người tài không thể một mình tự cống hiến mà phải có cộng sự và ê kíp làm việc tương thích thì mới phát huy được, phát huy hết khả năng của mình.

Và một trong những nguyên nhân dẫn đến mẫu số chung của các địa phương trong thời gian qua là thất bại nhiều hơn thành công trong việc thu hút và giữ chân người tài, như thừa nhận của lãnh đạo TPHCM mới đây là, đôi khi, người tài bị “cô lập” bởi những cộng sự hưởng lương thấp hơn ở chung quanh cùng tâm lý “chưa biết ai tài hơn ai”.

Cần chính sách ưu đãi để thu hút và giữ chân người tài, nhưng cũng cần chính sách ưu đãi để thu hút giữ chân phần còn lại của bộ máy đang chiếm số đông.

Những người, dù mới được điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) từ ngày 1.7.2023. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để “sống được bằng lương” theo như mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 về cải cách chính sách tiền lương đến năm 2030.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn