MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Đức Vinh - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: HL

Nguyên Chủ tịch tỉnh đi tù và bài toán chống chảy máu công sản

QUANG ĐẠI LDO | 04/04/2022 14:52

Sáng 4.4, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh và 5 cựu quan chức vì tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai".

Hai cựu Chủ tịch tỉnh và nhiều cựu quan chức ra tòa vì đã cho chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất của hai dự án. Dự án “Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự” được UBND tỉnh Khánh Hòa cho triển khai trên diện tích hơn 513ha trên núi Chín Khúc. Dự án theo quy hoạch là đất trồng rừng sản xuất, đất đồi núi chưa sử dụng, nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép một phần thành đất thương mại, đất ở lâu dài.

Dự án “Biệt thự Sông núi Vĩnh Trung” được cho triển khai trên diện tích 19,65ha tại tiểu khu 573 trên núi Chín Khúc. Mục tiêu ban đầu của dự án là trồng rừng cảnh quan môi trường và du lịch sinh thái, nhưng sau đó UBND tỉnh Khánh Hòa lại cho phép chuyển từ đất rừng sản xuất sang thành đất ở và đất có mục đích công cộng.

Như vậy, có một kịch bản chung của 2 dự án nói trên là đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cho chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất, từ các loại đất khác nhau ban đầu thành đất ở. Ở đây là sai phạm cố ý, biết sai luật vẫn làm, gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách.

Đất đai công sản đã chuyển sang quyền sử dụng của tư nhân và đem lại nguồn lợi lớn cho một nhóm lợi ích. Vì sao nhiều quan chức dù biết sai vẫn làm để đến mức vướng vào vòng lao lý đang là câu hỏi nhức nhối, cho dù cơ quan chức năng chưa tìm được chứng cứ nhưng dư luận thì đã có câu trả lời.

Lãnh đạo tỉnh phải ra tòa vì vi phạm pháp luật về đất đai không phải là trường hợp cá biệt. Năm 2020, tại Đà Nẵng, nhiều lãnh đạo cấp tỉnh đã phải ra tòa và bị kết án tù vì vi phạm trong quản lý đất đai, công sản. Bị cáo Trần Văn Minh - nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo cấp dưới đồng ý cho bán chỉ định, không qua đấu giá, đồng ý cho giảm 10% tiền sử dụng đất, giảm hệ số sinh lợi… vi phạm pháp luật, gây thiệt hại ngân sách.

Tại nhiều địa phương khác, đều có tình trạng sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, sở, ngành. Điểm chung của các sai phạm này là tạo ra các cơ chế, quyết định trái quy định của pháp luật, đem lại lợi ích rất lớn cho tư nhân và gây thiệt hại ngân sách.

Một số trường hợp trong quá trình triển khai, có cán bộ tham mưu đã phản đối nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn quyết thực hiện. Nhiều vụ việc kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm thất thoát ngân sách mà còn làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào các cơ quan hành pháp.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan thuộc về ý thức và đạo đức cán bộ, công tác kiểm tra giám sát chưa hiệu quả, có nguyên nhân thuộc về hệ thống pháp luật về đất đai, công sản thường xuyên biến động, với nhiều quy định chồng chéo, phức tạp, mâu thuẫn.

Do đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, cần có giải pháp để hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, công sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn