MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ TTTT và các nhà mạng sử dụng tên định danh để chống cuộc gọi mạo danh. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nhà mạng có tên định danh để phòng chống lừa đảo nhưng dân phải chủ động

Lê Thanh Phong LDO | 28/10/2023 18:30

Từ 27.10, cuộc gọi của các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT tới khách hàng sẽ hiển thị tên định danh của nhà mạng.

Đây là một giải pháp giúp người dân cảnh giác trước các thủ đoạn giả danh công an, viện kiểm sát để lừa đảo qua điện thoại.

Đã có quá nhiều vụ người dân bị các băng nhóm lừa đảo dùng mánh khóe để lấy tiền. Do nhẹ dạ cả tin, do thiếu hiểu biết về pháp luật, nên rất nhiều người dính bẫy, mất rất nhiều tiền. Có những người mất số tiền lớn, lên tới vài tỉ đồng.

Nạn nhân là những người tích góp cả đời, có người là công chức về hưu, có người là giáo sư, lại bị mất hết. Còn bọn lừa đảo lại hốt trọn số tiền mồ hôi nước mắt của những người lương thiện.

Loại tội phạm này chủ yếu sử dụng điện thoại để lừa đảo. Bọn chúng tự xưng công an, viện kiểm sát, ngân hàng, nhà mạng, Bộ Thông tin Truyền thông... dù không biết nguồn gốc điện thoại, không có tên cơ quan, nhưng nhiều người vẫn cứ tin.

Nay, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin Truyền thông cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin Truyền thông. Đồng thời, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT…

Theo đó, tất cả các số điện thoại gọi đến người dân từ các đơn vị thuộc Bộ gồm: Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện đều hiển thị tên định danh “BO TTTT”.

Như vậy, những người tự xưng là đơn vị thuộc Bộ hay doanh nghiệp viễn thông, nhưng không có tên định danh, đích thị là lừa đảo.

Đây là biện pháp phòng chống lừa đảo, nhưng phải tuyên truyền sâu rộng đến người dân, để mọi người đều hiểu biết, chủ động đề phòng, không bị mắc bẫy bọn lừa đảo.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, các cơ quan chính quyền, công an, báo chí đã lên tiếng cảnh báo bằng nhiều hình thức, tin tức nạn nhân bị lừa đảo được đưa trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, nhưng nhiều người vẫn không hay không quan tâm theo dõi.

Chính quyền, công an cảnh báo rất cụ thể, đơn giản, dễ hiểu, đó là không tin vào bất cứ ai tự xưng cán bộ công an, viện kiểm sát hay đại diện cơ quan nào qua điện thoại.

Thế mà vẫn có người bị lừa, mất bạc tỉ cả đời dành dụm. Đáng trách hơn đáng thương.

Thêm giải pháp nhà mạng có tên định danh để phòng chống lừa đảo, nhưng cũng không thể chống hết bọn lừa đảo nếu như còn có những người không chịu nghe đài, đọc báo và nhẹ dạ cả tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn