MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đông đảo người dân Đà Nẵng chờ chực nộp đơn xin mua căn hộ nhà ở xã hội Bàu Tràm sáng 8.5. Ảnh T.T

Nhà ở xã hội - giấc mơ xa của người lao động

Trung Hiếu LDO | 09/05/2023 12:37

Ngày 8.5, Đà Nẵng mở bán 172 căn hộ nhà ở xã hội tại chung cư Bàu Tràm Lakeside. Hàng đoàn người từ tinh mơ đã xếp hàng rồng rắn nộp đơn, hy vọng tìm được một suất trong số căn hộ ít ỏi này. Trong số này, không có nhiều công nhân lao động, vốn là đối tượng chính mà chính quyền thành phố Đà Nẵng muốn hướng đến.

Một người dân cho biết, anh và nhiều người đến đây từ 4h sáng để nộp đơn mà đến 11h trưa vẫn chưa thấy đến lượt. Nhiều gia đình còn thay nhau trực luân phiên để nộp đơn cho kỳ được, dù phải chờ nhiều giờ, nhiều ngày.

Với thời gian mở bán, nhận hồ sơ trong giờ hành chính và chờ chực mất rất nhiều thời gian như vậy thì việc vắng bóng người lao động trong các khu công nghiệp tại các điểm nộp hồ sơ xin mua, thuê nhà ở xã hội là điều dễ hiểu. Hơn hết, thông tin này cũng không dễ rộng rãi đến với người công nhân lao động.

Theo Sở Xây dựng thành phố, trong năm nay, trên địa bàn Đà Nẵng đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội với 7.023 căn hộ, trong đó nhóm đối tượng được chính quyền hướng đến là người có công với cách mạng, công chức, quân nhân, người thu nhập thấp, công nhân lao động các khu công nghiệp trên địa bàn... chưa có nhà ở.

Tại chung cư Bàu Tràm, một công nhân vừa mua được căn nhà ở xã hội cho biết, vợ chồng anh phải chắt bóp, nhịn ăn, nhịn mặc đến hơn 15 năm mới may mắn mua được căn hộ rộng 53,6 m2 với giá hơn 500 triệu đồng, trong đó vay của người thân khoảng hơn 100 triệu.

Anh cho biết, gia đình mình là một trong số ít công nhân lao động được lựa chọn khi nộp hồ sơ và được sự hỗ trợ của người thân, chứ đại đa số đồng nghiệp của anh bao năm qua vẫn phải thuê những ngôi nhà tạm bợ gần các khu công nghiệp để lao động kiếm sống.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng có hơn 27 ngàn lao động ngoại tỉnh và lượng lớn lao động nước ngoài đang làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó, phần lớn người lao động ngoại tỉnh đang thuê ở trọ gần các khu công nghiệp để tiện cho việc đi làm.

Các dự án nhà ở xã hội lớn đã đưa vào hoạt động như: Khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh với 1.404 căn hộ; đặc biệt là Dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 70 tỉ đồng do Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư, được xây dựng trên tổng diện tích 27.755 m2, gồm 278 phòng đơn và 7 phòng đôi, giải quyết chỗ ở cho khoảng 600 công nhân. Diện tích các phòng dao động từ hơn 15,7 m2 đến 46 m2, giá cho thuê bình quân 18.500 đồng/m2 (đã bao gồm chi phí quản lý, vận hành), tổng giá thuê sẽ dao động từ 320 nghìn - 1,3 triệu đồng/phòng, phù hợp với thu nhập của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.

Theo khảo sát của LĐLĐ thành phố Đà Nẵng, nhu cầu nhà của công nhân tại các khu công nghiệp và dự báo số công nhân có nhu cầu về nhà ở đến năm 2030 trên địa bàn thành phố là hơn 62 ngàn người.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai và đưa một số dự án nhà ở xã hội tại khu vực các khu công nghiệp: Hòa Khánh, Hòa Cầm, Cẩm Lệ… vào sử dụng theo hình thức cho thuê, hoặc bán với giá ưu đãi cho công nhân lao động là một cố gắng lớn của chính quyền thành phố.

Tuy vậy, so sánh giữa nhu cầu và nguồn cung nhà ở xã hội cho nhóm đối tượng lao động trong các nhà máy, xí nghiệp; thu nhập của người lao động với trị giá căn hộ… rao bán, thì một mái ấm cho an cư lạc nghiệp vẫn là giấc mơ xa của người công nhân lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn