MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng thần y mạng tha hồ livestream quảng cáo bán thuốc sẽ được xử lý sau chỉ đạo của Thủ tướng? Ảnh: Đình Trường

Nhà tôi 3 đời... và những chuyện không chỉ cười ra nước mắt

Anh Đào LDO | 31/03/2021 12:13

Vào một ngày đẹp trời, bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai bỗng dưng phát hiện cái “ông lang YouTube” đang blouse trắng, “logo trường Y” quảng cáo “nhà tôi 3 đời chữa bệnh...” chính là ông hàng xóm ở quê, xuất thân công nhân cơ khí.

Văn phòng Chính phủ hôm qua đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thông tin "thần y" trên mạng xã hội. Theo đó, Thủ tướng chính thức giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý.

Vậy là nạn thần y mạng, thần y YouTube đã vào tầm ngắm của cơ quan chức năng.

Thật ra, những “thần y” xuất thân cơ khí trong câu chuyện mà bác sĩ Hùng kể trên báo Sức khoẻ và Đời sống là không hề hiếm.

Vừa xong, Công an TP Vĩnh Yên đã triệu tập khẩn cấp một “cô đồng” chuyên bắt ma, gọi vong, chữa ung thư, vô sinh, và cả COVID-19.

Cô đồng này đã chữa bệnh bằng gọi hồn, bằng cách ợ hơi, bằng cả “nhổ nước bọt”. Thậm chí, chữa cả COVID-19 với cái giá 3-4 triệu.

Có ai đó đã đùa nhưng mà thật: Tôi năm nay bằng này tuổi rồi mà chưa gặp cái trường hợp nào ngô nghê như thế này cả.

Tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” và sự cả tin đã sinh ra những câu chuyện cười ra nước mắt. Chẳng hạn người cha bị sỏi thận, xem quảng cáo “nhà tôi 3 đời chữa sỏi” liền gọi đến số hotline để tin sống tin chết cái ông lang “3 đời” ấy. Ngay cả khi con gái, một nhân viên y tế, nói thế nào cũng không nghe.

Cái giá của sự ngô nghê ấy không chỉ là tiền bạc, không ít trường hợp rước hoạ vào thân.

Lên ngay Bệnh viện Bạch Mai mà xem. Không ngày nào bệnh viện này không tiếp nhận các ca bệnh, nạn nhân của các “thần y”. Có người, uống thuốc của các “thần y” để đến nỗi bị nhiễm độc gan, suy thận, thậm chí suy đa tạng đến mức suýt ngừng tim.

Nạn thần y YouTube, nạn lang băm mạng, vì thế- cần phải có những biện pháp cả về kỹ thuật, cả về cách thức xử lý mạnh mẽ quyết liệt mới có thể chấm dứt được.

Báo Sức khoẻ và Đời sống hôm qua dẫn lời GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam chia sẻ một câu chuyện buồn, và vô lý: Có đến hơn 40 trang mạng sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của ông cắt ghép vào các video quảng cáo thuốc đông y. GS Bình đã nhiều lần phản ánh, lên tiếng nhưng đâu vẫn đó....

Đó không phải là một câu chuyện dạng cười ra nước mắt. Đó là một chi tiết phản ánh sự yếu kém của quản lý.

Nếu ngay cả sự gian dối, trắng trợn đến công nhiên như thế mà chúng ta cũng không xử lý thì làm sao dẹp được loạn thần y đây?!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn