MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiệt điện Thái Bình 2 cần thêm 10.000 tỉ để thoát cảnh đắp chiếu

Nhiệt điện Thái Bình 2: Đèn xanh hay đèn đỏ

Anh Đào LDO | 24/07/2019 11:09

Khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về việc sử dụng nguồn tiền cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Chủ tịch PVN Nguyễn Sỹ Thanh mong muốn “hãy bật đèn xanh cho chúng tôi” “Cho đường để chúng tôi đi”.

Nguồn tiền mà ông Thanh cam kết trách nhiệm là khoản 10.000 tỉ bổ sung để cứu Nhiệt điện Thái Bình 2. Và nói gì thì nói, việc cam kết trách nhiệm rất đáng chú ý, rất đáng để biểu dương trước một dự án đang đắp chiếu nhiều năm, một “đại dự án” giờ như miếng “cân kê” nuốt vào thì khó, nhả ra thì tiếc.

Hãy xem lại những thông số cho cái sự khó ấy: Do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm Chủ đầu tư với 2 tổ máy có công suất 1.200 MW và dự kiến hoàn thành vào quý 4.2016, nhưng cho đến nay, Dự án đã bị đội vốn 11 ngàn tỉ, tức là từ tổng mức đầu tư ban đầu 31.000 tỉ nhưng sau 2 lần điều chỉnh đã tăng lên trên 42.000 tỉ.

Cứ mỗi ngày chậm tiến độ, Dự án đang phải trả lãi ngân hàng tới 6 tỉ đồng.

Sức ép cho việc giải quyết ngay, giải quyết luôn rất lớn. Không chỉ ở hơn 31.000 tỉ đã đổ ra, không chỉ ở 6 tỉ lãi phải trả mỗi ngày mà còn ở nguy cơ thiếu điện trầm trọng ngay trong năm 2020 nếu Dự án này không kịp hoàn thành và bổ sung 7 tỉ kWh vào lưới điện.

Nhưng việc “nhả” hay “nuốt”, “đèn xanh” để tiếp tục đầu tư hay “đèn đỏ” để đau một lần cho xong hóa ra cũng lại không đơn giản.

Bởi nếu “nhả”, sẽ phải bán thanh lý 31.000 tỉ đồng sắt vụn đúng nghĩa và đứng trước “nguy cơ mỗi năm, từ ngay sang năm (2020)- tốn 35.000 tỉ để chạy dầu bù sản lượng điện”- khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng.

Nếu “nuốt” sẽ phải thêm vào đó 10.000 tỉ.

Hãy chú ý đến phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh khi ông đề nghị đánh giá lại khoản 31.000 tỉ đã đầu tư: “Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 42  ngàn tỉ. Nếu đánh giá không hiệu quả, bây giờ chúng ta dừng lại chỉ mất 32 ngàn tỉ, nhưng nếu tiếp tục sẽ mất thêm 10 ngàn tỉ đồng nữa”.

Thủ tướng đã yêu cầu không được để thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt của dân. Và một dự án nhà máy điện đã bỏ ra 31.000 tỉ đầu tư cần phải được cân nhắc xem xét. Cân nhắc ở khả năng 10.000 tỉ đầu tư so với “khả năng thiếu hụt nguồn điện”. Nhưng cân nhắc trong sự tỉnh táo, không để “khả năng” này chi phối đến việc đánh giá lại hiệu quả của 31.000 tỉ đã đầu tư.

Và cân nhắc, đánh giá, để rút ra được một bài học, để trả lời những câu hỏi vì sao cho cả chuyện tăng vốn đầu tư, kéo dài thời gian thi công. Bởi chỉ có như vậy mới chấm dứt được tình trạng các “đại dự án” giống y như những hố đen- đại tiêu tiền thuế của dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn