MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biểu đồ phản ánh số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội

Nhiều ngày số ca F0 ở Hà Nội tăng ít, giảm nhẹ: Cần sớm có câu trả lời

Hoàng Lâm LDO | 08/02/2022 10:08

Trong gần một tháng, biểu đồ số lượng ca F0 ở Hà Nội gần như đi ngang, tăng giảm ít, dao động từ 2.700 ca đến chưa đầy 3.000 ca. Sự “ổn định” này có phải là điều bất thường?

Theo số liệu từ bản tin của Bộ Y tế thì ngày 31.1, Hà Nội ghi nhận 2.728 ca, sang ngày 1.2 tăng lên 2.750 ca, sau đó giảm xuống 2.716 ca ngày 2.2 và tăng dần cho đến ngày 6.12. Tuy nhiên, số lượng tăng chỉ khoảng 20 ca mỗi ngày. 

Riêng ngày 7.2, số lượng ca nhiễm có tăng lên mức 2.988 ca. Đây cũng là ngày đầu tiên đi làm và nhiều doanh nghiệp, công sở tiến hành test cho người lao động. Song, tỉ lệ này rất thấp so với dân số Hà Nội và thấp so với Nghệ An (thêm 572), Thanh Hóa (thêm 489) bất chấp việc Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm.

Câu hỏi là: Liệu số F0 mỗi ngày tăng ít, giảm nhẹ có phản ánh đúng thực tế số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội?

Có một thực tế khác đó là có không ít người dân Hà Nội biết mình mắc COVID-19 thông qua test nhanh nhưng đã tự cách ly, tự tìm thuốc chữa trị tại nhà. Lý do thủ tục để được “công nhận” là F0 chính hiệu, không hề đơn giản.

Câu chuyện được báo Lao Động ghi nhận ngay trước thềm Tết Nhâm Dần về trường hợp: test nhanh tại cơ quan cho kết quả dương tính, tiếp tục xét nghiệm PCR cho kết quả "Nghi ngờ phát hiện virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm" nhưng qua nhiều lần khai báo qua hotline, trực tiếp khai báo tại trạm y tế phường thì công dân này vẫn nhận phản hồi là "chưa đủ điều kiện để công nhận là F0". 

Sau hơn nhiều ngày phát hiện mình mắc COVID-19, người này vẫn chưa nhận được quyết định cách ly và cũng chưa nhận được bất kỳ loại thuốc hay quy trình cách ly nên buộc phải tự chăm sóc tại nhà cho đến khi tự đi test PCR sau hơn 10 ngày và cho kết quả âm tính.

Thủ tục, quy trình rườm rà như vậy sẽ có bao nhiêu người tự test, tự chữa và tự khỏi mà không khai báo? Đó là chưa kể những lo ngại khi khai báo (có thể) phải cách ly tập trung đúng dịp Tết Nguyên đán là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người không muốn thông tin mình là F0.

Đã có ý kiến cho rằng, con số F0 thống kê hằng ngày giờ đây không còn nhiều ý nghĩa, vì người dân đã tự thích ứng “dính COVID-19” thì tự chữa, âm thầm cách ly, hạn chế ảnh hưởng tới người thân, không khai báo để tránh xáo trộn công việc, gia đình…

Hà Nội với 6,2 triệu người trên 18 tuổi, đã được tiêm 16,1 triệu liều vaccine. Như vậy tỉ lệ người được tiêm vaccine mũi thứ 3 ở mức khá cao. Nhưng điều đó có khiến thống kê mỗi ngày trở nên vô nghĩa?

Nên nhớ rằng Nghị định 124, có hiệu lực từ 1.1.2022 vẫn quy định mức phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế… là từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Vấn đề là người dân có khai báo nhưng không được công nhận là F0 thì ai chịu trách nhiệm? Ai giám sát những người không khai báo, tự chữa nhưng lại không thực hiện cách ly trong dịp Tết vừa qua?

Vậy thì vẫn cần câu trả lời chính xác về việc “Con số F0 thống kê mỗi ngày có phản ánh đúng thực tế số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội hay không”?

Bởi một con số không đúng, xa thực tế sẽ tạo ra sự chủ quan, không dự báo được, đánh giá sai tình hình dịch bệnh và gây nhiều hệ luỵ đáng tiếc không thể lường trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn