MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đã tới Việt Nam sau 2 năm, trong khi đó những tấm biển "không bán cho khách du lịch" đang xuất hiện ở Đà Lạt. Ảnh: Hoàng Dung

Nhức nhối câu hỏi “Có phải người Sài Gòn”?

Anh Đào LDO | 22/11/2021 17:24

Khách du lịch đến Đà Lạt đang phải đối diện với câu hỏi không hề cá biệt “Có phải người Sài Gòn không?”. Thậm chí, cả những tấm biển “không bán cho người Sài Gòn”.

“Đau nhói”, “ngã ngửa” là từ dùng của báo chí khi mô tả lại cảm xúc của khách du lịch, nhất là người Sài Gòn khi bất ngờ bắt gặp những tấm biển “Không bán cho khách du lịch”, “hạn chế khách ngoại tỉnh”… thậm chí "không bán cho người Sài Gòn" (theo TNO)... ở Đà Lạt. 

Phải nói ngay, dẫu đây chỉ là tự phát, từ “một số tiểu thương nhỏ”… nhưng nó không phải là cá biệt và đang gây ra những tổn thương cho khách du lịch, cho người ngoại tỉnh, nhất là “người Sài Gòn”.

Hồi tháng 5, khi viết về câu chuyện 7 gia đình, 13 người ở toà Đại sứ Việt Nam tại Ucraina vượt qua làn sóng COVID thứ 3, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch, một "người trong cuộc" có nói với tôi một ý là: Đừng kỳ thị người bị bệnh.

Bấy giờ, đã xảy ra những câu chuyện “cười ra nước mắt”: Hàng xóm dùng giẻ lau nhét kín khe cửa nhà người tiếp xúc gần với F0.

Bấy giờ, dịch bệnh đã khiến tâm lý kỳ thị bỗng chốc thổi bùng, từ đời sống cho đến những chính sách ngăn sông cấm chợ, cấm người tỉnh này, làm khó người tỉnh khác.

Nhưng giờ đây, sau Nghị quyết 128 với một “bước chuyển” cơ bản là sự thích ứng, việc kỳ thị người ngoại tỉnh, người Sài Gòn, hay người vùng dịch bất kể họ đã có “thẻ xanh vaccine”, bất kể đã có kết quả xét nghiệm âm tính... là rất kỳ cục.

Phú Quốc đã chính thức “mở cửa” với du khách nước ngoài. Hội An cũng đã đón những du khách quốc tế đầu tiên.

Hãy chú ý đến thời điểm “Sau 2 năm” du lịch tê liệt.

Nó không chỉ là chuyện sinh khí mà đó còn là việc hiện thực hoá Nghị quyết 128, hiện thực hoá 2 chữ “thích ứng” mà Thủ tướng luôn nhấn mạnh.

Không lẽ người Sài Gòn, người ngoại tỉnh lại bị làm khó bởi ngay chính những đồng bào mình?

Không lẽ khách du lịch nội địa lại bị làm khó ngay trên chính đất nước mình?

Trên báo, ông Tưởng Hữu Lộc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng đề nghị một “góc nhìn thông cảm hơn”. Bởi theo ông: “Khi người dân không hiểu sẽ sợ, chính vì người dân sợ nên họ từ chối khách du lịch, họ tạo ra rào cản; khiến khách du lịch cảm thấy bị đối xử có phần quá khắt khe, cảm giác bị kỳ thị, tạo ra những mâu thuẫn, ác cảm. Chúng ta biết rằng tất cả vì dịch bệnh hết, ai cũng muốn an toàn nhất và được thấu hiểu nhất”.

Nếu dân sợ vì chưa hiểu thì cần làm cho họ hiểu, chứ không thể nói thông cảm hay chặc lưỡi cho qua. Bởi dẫu là tự phát, là “cá nhân” nhưng rõ ràng, những tấm biển mang hơi hướng kỳ thị ấy đang ảnh hưởng tới hình ảnh Đà Lạt, và không chỉ Đà Lạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn