MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô ra trước toà khai tuốt tuột việc mua bán bằng giả. Ảnh: Việt Dũng

Những ai trong danh sách “người có uy tín” dùng bằng giả?

Anh Đào LDO | 24/12/2021 10:24

210 trường hợp sử dụng văn bằng, giấy chứng nhận giả của Đại học Đông Đô đã được làm rõ. Nhưng còn 221 trường hợp khác. Họ là những ai?

Chủ tọa phiên toà xét xử vụ án cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả xảy ra tại Đại học Đông Đô hôm qua đặt một câu hỏi: “Học viên cứ đủ tiền thì được cấp bằng thôi có đúng không?”.

Và cựu Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô, bị cáo Dương Văn Hòa đáp: “Vâng ạ".

Một câu hỏi trúng bản chất vấn đề.

Còn câu trả lời, nhẹ như không! Như là hiển nhiên vậy.

Sự thành thật của các bị cáo, vốn là những nhà giáo, khiến chúng ta bối rối khi sự thành thật ấy cho thấy, rất phũ phàng- tính chất “cái chợ” trong việc mua bán bằng giả.

“Chợ”, từ KPI mỗi nhân viên của trường phải môi giới mỗi năm từ 4 đến 10 hồ sơ lấy văn bằng 2 tiếng Anh.

“Chợ”, vì số tiền “trích thưởng”, chia chác cho mỗi hồ sơ môi giới ít nhất 7 triệu đồng, công khai luôn trong quy định.

“Chợ”, trong cái giá “mua bằng” từ 28 đến 35 triệu đồng, tức là có thể mặc cả.

Và “chợ”, trong cả cái cách 431 người “mua” cái bằng ấy: Không cần phải thi đầu vào; không đào tạo; người đóng tiền mua bằng chỉ cần chép lại đáp án bài thi đã được phát sẵn. Thi xong rồi mới lập bảng điểm khoá học cho từng học viên. Có những trường hợp thậm chí còn không luôn cả thi, dù chỉ để hợp thức hoá tấm bằng.

Không hiểu với cách mua bán trắng trợn như thế, 431 cá nhân kia có chút kiến thức tiếng Anh nào, ngoài một mảnh giấy được gọi là bằng.

Mấy hôm nay, khi vụ án được đưa ra xét xử, đã xuất hiện sự mỉa mai, rằng đây không phải là vụ án bằng giả mà là vụ án... học giả.

Những người giả học, mua bằng, và tiến thân, có khi lại trở thành những học giả. Mở ngoặc rằng trong số 210 trường hợp được cấp bằng và chứng chỉ giả của Đại học Đông Đô được làm rõ, 76 người đã sử dụng vào mục đích cá nhân. 67 người trong số đó làm nghiên cứu sinh, 2 người học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công chức và viên chức, 3 người thi công chức hoặc thi thăng hạng.

Nhưng chính vì tính chất “cái chợ” ấy, dư luận đã đúng khi đặt câu hỏi về bản danh sách 210 cá nhân không thể xác định được là ai, ở đâu, đã sử dụng thứ “bằng đểu” ấy vào việc gì?

Một đòi hỏi chính đáng. Bởi tháng 12.2020, chính Thủ tướng cũng đã yêu cầu phải làm rõ những cá nhân được Trường Đại học Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng giả... để thu hồi, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công lý sẽ chỉ thật sự hiện diện trong một phiên toà với những bản án nghiêm minh, và giải toả cả những câu hỏi về bản danh sách 210 người kia nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn