MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Nguyễn Văn Nhân trong lễ khai giảng đúng nghĩa đầu tiên ở điểm trường ông Bình. Ảnh: Tùng Quân

Những bản tin về sự lương thiện trên mặt báo khiến cuộc sống tươi đẹp hơn

Hoàng Văn Minh LDO | 03/12/2023 06:33

Ngày càng có nhiều những bản tin kể về sự lương thiện của con người xuất hiện trên mặt báo cùng một chủ đề khiến cuộc sống dễ chịu và tươi đẹp hơn.

“Thầy giáo “cõng gạch xây trường” trả 24 triệu đồng cho người đánh rơi” là một bản tin như thế trên Lao Động. Với nhân vật chính là thầy giáo Nguyễn Văn Nhân ở điểm trường Nóc Ông Bình, thuộc xã Trà Dơn, huyện miền núi Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam.

Trong một lần trở lại điểm trường với các em học sinh, vô tình nhặt được một túi nylong được gói cẩn thận, rơi ở một quầy tạp hóa. Khi mở ra, thầy Nhân thấy trong bọc là những tờ tiền có mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng và 100.000 đồng.

Biết có người đánh rơi, thầy Nhân báo cho người dân xung quanh và để số điện thoại cá nhân của mình lại cùng lời nhắn, nếu có ai đánh rơi thì liên hệ. Phần mình, thầy Nhân tiếp tục trở về điểm trường và kiểm tra kỹ số tiền trong túi để xác minh với chủ nhân sau này, tránh việc trả nhầm người.

Đến cuối tháng 11, chủ nhân của túi tiền trên đã liên hệ và được nhận lại được đầy đủ số tiền là 24 triệu đồng.

Hay một bản tin khác kể chuyện anh Hoàng Hiệp - chủ quán một cơm phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa - đang tìm cách liên hệ để trả lại số tiền gần 270 triệu đồng cho một thực khách từng ăn trưa ở cửa hàng của gia đình cách đây một tuần.

Bữa ăn đó chỉ có 270.000 đồng, tuy nhiên thực khách đã quét mã QR chuyển khoản nhầm đến 270 triệu đồng. Và đã gần một tuần, vị khách vẫn chưa phát hiện ra mình trả nhầm tiền.

Đây không phải là lần đầu tiên, bởi anh Hoàng Hiệp, theo lời kể, đã nhiều tìm cách trả lại cho khách những khoản tiền chuyển nhầm như vậy với số tiền có khi lên đến 400 triệu đồng.

Hành động trả lại tiền như của anh Hiệp là vô cùng có ý nghĩa, rất đáng trân trọng, nhất là đặt trong bối cảnh so sánh với rất nhiều vụ chuyển nhầm nhưng không chịu trả khác.

Ví như chuyện anh Nguyễn Hùng ở Long An mới đây đã thanh toán nhầm tiền hàng cho người bán với số tiền 450 triệu đồng. Và sau đó, dù đã nhờ đến Công an can thiệp vẫn mãi không đòi được tiền với câu trả lời “tự làm tự chịu” của người bán.

Hay với thầy giáo Nguyễn Văn Nhân, sự cao quý của hành động trả lại tiền nhặt được đã nhân lên nhiều lần khi bạn đọc biết một thực tế: Thầy Nhân rất nghèo, cuộc sống rất khó khăn với đồng lương giáo viên “ba cọc ba đồng” đúng nghĩa.

“Nhặt được của rơi trả người đánh mất” tất nhiên là bài học vỡ lòng của mỗi một chúng ta. Nhưng bài học vỡ lòng - điều tưởng như hiển nhiên đó, trong thực tế lại là một mơ ước, một đích đến. Bởi hiện thực, như dân gian đúc kết rằng, “Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông thì nhiều”.

Nên những chuyện kể về thầy giáo Nguyễn Văn Nhân ở huyện Nam Trà My của Quảng Nam hay anh chủ quán cơm Hoàng Hiệp ở Thanh Hóa vẫn là những mầm thiện được gieo trên những trang báo mang đến cho bạn đọc những xúc cảm dễ chịu, khiến họ nhìn, nghĩ về cuộc sống tươi đẹp và tích cực hơn.

Và đáng mừng là những mầm thiện như vậy đã và đang ngày một nhiều hơn trên các trang báo theo hướng những “câu chuyện giáo dục" hay "chuyện tích cực” chứ không phải “chuyện lạ” như trước!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn