MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những chi phí này sẽ giết chết doanh nghiệp

ANH ĐÀO LDO | 23/11/2019 07:00
Một tin vui là có tới ngót 78% doanh nghiệp hài lòng với ngành thuế. Và tin buồn là vẫn tồn tại cái chúng ta gọi là “chi phí ngoài quy định”.

“Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) năm 2019” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố với một con số khá đẹp, đại ý: Gần 78% DN hài lòng với cơ quan thuế, tăng 3% so với cuộc khảo sát năm 2016.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Hai chỉ số quan trọng nhất “thực hiện TTHC thuế” và “thanh tra kiểm tra thuế” đều giảm, lần lượt 0,14 và 0,52 điểm.

Còn nhớ tháng 10.2014, trong buổi làm việc với ngành thuế, lãnh đạo Chính phủ khi đó đã nói gay gắt về chuyện “Người dân kêu bị làm phiền hà nhiều lắm”. Chủ tịch VCCI hôm đó cũng cho rằng: Thủ tục thuế xếp thứ hai về chậm cải cách TTHC. Quản lý thuế ở cả ba khâu từ nộp, hoàn, thậm chí cả khâu đóng mã số thuế để giải thể doanh nghiệp cũng rất khó khăn”.

Thứ tự ấy sau bao năm vẫn không đổi. Dễ nhất là nộp thuế, xin miễn thuế rất khó. Và cực nhất thì vẫn là hoàn thuế.

Tiêu cực ấy thể hiện trong sự suy giảm trong đánh giá với hai chỉ số quan trọng nhất: TTHC thuế và thanh kiểm tra thuế. Chắc cũng không ngẫu nhiên, bởi gắn kèm với hai chỉ số này, báo cáo khảo sát của VCCI cũng nhắc tới cái thứ mà chúng ta vẫn gọi là “chi phí ngoài quy định trong thủ tục thuế”. 9% DN thẳng thắn thừa nhận phải bỏ ra “chi phí ngoài quy định” và 27% doanh nghiệp lựa chọn không trả lời.

Hồi đầu năm, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định tình trạng “kẹp phong bì” để giải quyết hồ sơ trong lĩnh vực thuế và hải quan chính là lý do DN không lớn được, thậm chí “những chi phí này sẽ giết chết DN”.

Năm nay, chỉ số “sự phục vụ của công chức thuế” được chính cộng đồng DN đánh giá cao. Nhưng điều đó liệu sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu “chi phí ngoài quy định” không thể chấm dứt.

Bởi “chi phí ngoài quy định” chỉ là một cách gọi khác của tham nhũng vặt - như đánh giá của chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bởi đó là loại chỉ số phải loại trừ chứ không thể nói là đã cải thiện, không thể chấp nhận dẫu chỉ là 1%. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn