MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những chiếc “camera quay lén” vô hình

LÂM THỊ THỦY LDO | 04/08/2015 13:31
Nhà văn Nga A.Shêkhốp nói “Người có giáo dục tôn trọng nhân cách của người khác nên bao giờ họ cũng nhẹ nhàng, lịch sự”.
Những ngày qua, dư luận nóng lên với clip chửi sinh viên của “Cô giáo bọ cạp”.  Nhiều ý kiến phán xét, người lên án mạnh mẽ hành động của một giáo viên, kẻ đồng tình  cho rằng cần thấy lỗi của cậu sinh viên... Sau vài ngày làm mưa làm gió trên các mặt báo và trang mạng xã hội, chuyện “Cô giáo bọ cạp” đã bớt sốt và rồi sẽ dần rơi vào quên lãng.  Vấn đề là từ câu chuyện đó, mỗi chúng ta rút ra được bài học gì cho mình.

Lý do cô giáo và nhiều người đưa ra cho hành động chửi trong clip là vì nhiều áp lực, căng thẳng nên nóng giận, thiếu kiềm chế là chưa đúng và chưa đối diện thẳng thắn với vấn đề. Nếu vậy, những cô giáo ở vùng khó, đối diện với biết bao khó khăn về cuộc sống đời thường và nhiều áp lực với những em học sinh “siêu quậy”, họ có nhiều lý do để chửi hơn cô giáo này chăng? Nhưng không, họ vẫn bình tĩnh và nhẫn nại bỏ lại mọi lo toan sau cánh cổng trường để làm một người giáo viên tận tụy, đúng mực. Ai xem clip, nếu bỏ đi những nóng nảy, thiếu kiềm chế của cô thì vẫn nhận thấy một thông điệp cô muốn gửi rất rõ và chính xác: “Tôi đã biết em là sinh viên trường nào và tôi sẽ làm....”.  Đó là lời đe dọa mà ngay sau khi sự việc xảy ra cô đã yêu cầu được biết cậu sinh viên đó là ai, học trường nào.

Khi nóng giận và mất kiểm soát, người ta dễ văng ra lời chửi thô lỗ, thậm chí là tục tĩu, và những lời đó vẫn dễ dàng được bỏ qua và chấp nhận, khác hoàn toàn với lời đe dọa trả thù. Người ta sao có thể vì một chút va chạm nhỏ, vì một chút sĩ diện mà có thể nghĩ ngay đến chuyện trả thù cá nhân, hơn nữa, là một giáo viên với học viên của mình.  Nguyên nhân do đâu? Đơn giản thôi, là do thiếu tôn trọng và quá coi thường người khác. Clip về “cô giáo bọ cạp” là bài học đích đáng không chỉ cho cô và những người làm nghề dạy học mà là lời cảnh tỉnh cho bất cứ ai có thói coi thường người khác.

Mỗi chúng ta, không ít lần cũng chịu những ấm ức từ cách hành xử vô cảm của không ít người chốn “công quyền”. Lời hạch sách của một cán bộ nhà đất, thái độ thờ ơ của một nhân viên ở bệnh viện, lời nạt nộ, xúc phạm của cán bộ cấp trên với nhân viên cấp dưới... Rõ ràng chúng ta đều biết rằng, không ai đi kiện vì bị cô giáo chửi, không ai đi khiếu nại vì bị sách nhiễu và thái độ thờ ơ khi vào “cửa quan”, càng không ai lên tiếng khi bị cấp trên xúc phạm, coi thường, trả thù...

Vì thế, bên cạnh việc lên án chuyện quay phim, chụp lén rồi tung lên mạng kiểu như dáng ngủ của một cô hoa hậu, chuyện cho con đi tè của một cô ca sĩ, share clip sex của cô bé 15 tuổi... đã tạo ra những hậu quả khôn lường (mà có người đã gọi tên rất đúng là “lưỡi dao trên bàn phím”), chúng ta cũng cần những clip như thế này, những clip phơi bày những góc tối, những nơi “nhạy cảm” mà pháp luật khó tới được. Đó là một bài học, là lời cảnh tỉnh, là “tấm gương” để khi nói năng, hành xử người ta cần biết kiềm chế, biết tôn trọng người khác hơn, bớt đi thói coi thường người khác.

Thiết nghĩ, hiện tượng “cô giáo bọ cạp” đã, đang và sẽ tạo ra những chiếc “camera quay lén” vô hình, phần nào giúp cho cuộc sống dân chủ hơn, công bằng hơn và thân thiện hơn. Có người từng nói, sống sao để không hổ thẹn với Trời, nhưng trời xa và cao quá, không đủ sức để con người thấy sợ. Giờ đây, sau những clip kiểu “cô giáo bọ cạp”,  những chiếc “camera quay lén” vô hình cũng được coi là trời, mà trời này lại ở rất gần, lưới trời này đủ để con người thấy sợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn