MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe buýt Đà Nẵng trong ngày khai trương. Ảnh: Trang Quảng An

Những chuyến xe buýt “không tải” ở Đà Nẵng

Trung Hiếu LDO | 12/05/2023 13:42

Từ cuối năm 2016 đến nay, những chuyến xe buýt ở Đà Nẵng vẫn gần như chạy không tải trên đường phố. Ngày một, ngày hai có thể cho rằng, người dân chưa quen sử dụng phương tiện công cộng. Nhưng gần 6 năm đã qua, thì lý do đó không còn thuyết phục.

Lúc này, chính quyền Đà Nẵng cần cân nhắc, liệu có nên tiếp tục trợ giá theo cách vừa qua cho những chuyến xe buýt “không tải” này không?

Cuối năm 2016, người dân Đà Nẵng ngạc nhiên thích thú khi nhìn thấy những chuyến xe buýt màu vàng, xanh lăn bánh trên đường. Đơn vị vận hành là Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 từ Hà Nội vào đầu tư, với sự trợ giá của ngân sách thành phố.

Xe mới, máy lạnh êm ru đồng loạt triển khai rộng khắp trên 12 tuyến, từ đầu cho đến cuối thành phố. Tuy vậy, hiện nay, do quá vắng khách nên chỉ còn duy trì 7 tuyến và thành phố cũng còn “trợ giá” trên một số tuyến.

Một tài xế xe buýt Quảng An cho biết, chạy suốt tuyến, đôi lúc may lắm mỗi ngày cũng lèo tèo 3-7 khách, trong đó chủ yếu sáng, chiều học sinh đi đến trường, về nhà. Thoảng lắm mới có vài người đi tắm biển hoặc du khách ghé vào đi chợ.

Có những thời điểm tài xế ngừng việc vì bị nợ lương, xe không bảo đảm đến, đi đúng giờ, nên hành khách cũng bỏ dần. "Xe buýt nhưng có lúc đến 3, 4 ngày liền không hoạt động, nên nhiều người lỡ việc. Họ bỏ luôn thói quen đi phương tiện công cộng vừa mới hình thành” - người tài xế nói trên cho biết.

Theo nhận định của Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng Đà Nẵng - đơn vị quản lý - điều hành, qua hơn 1 năm vận hành trở lại sau dịch COVID-19, đơn vị đang sắp xếp lại luồng tuyến, đồng thời cho phép một doanh nghiệp triển khai 61 trạm cho thuê xe đạp gần các trạm đỗ xe buýt để người dân thuận lợi trong di chuyển hơn.

Trong thực tế vài tháng qua, việc tổ chức lại các luồng tuyến, đặt trạm thuê xe đạp đã không làm các chuyến xe buýt trở nên đông vui hơn. Thậm chí còn vắng hơn, vì sự chập chờn khi có khi không của những chuyến xe buýt.

Nguyên nhân có thể thấy, các tuyến xe buýt không đấu nối vào được các đầu mối có điểm thương mại du lịch. Hơn hết, Thành phố Đà Nẵng cũng không quá rộng để người dân thấy thuận tiện khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng và vẫn chưa có nạn kẹt xe, nên sử dụng phương tiện cá nhân vẫn cơ động và thuận tiện hơn nhiều! Đó là nhận xét chung của đại đa số người dân.

Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, xe buýt trợ giá ở Đà Nẵng luôn trong tình trạng vắng khách. Khách không đi xe buýt, nguồn thu không đủ bù chi, trở thành gánh nặng hỗ trợ của doanh nghiệp, của ngân sách thành phố. Doanh nghiệp vận hành hệ thống xe buýt luôn trong tình trạng nợ nần: nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động gây ra những vụ phản ứng tập thể.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Đà Nẵng cho hay, đang tính toán duy trì hoạt động loại hình vận tải công cộng này bằng phương án đấu thầu những tuyến mới để thay thế những doanh nghiệp làm ăn không đảm bảo được yêu cầu của hợp đồng.

Phương tiện vận tải công cộng trong các đô thị lớn là hình ảnh quen thuộc và cần có. Tuy nhiên, với đặc thù của Đà Nẵng, liệu việc khuyến khích doanh nghiệp mở các tuyến xe buýt bằng hình thức trợ giá có mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hay không, là điều cần phải cân nhắc.

Nên chăng thay vì trợ giá cho doanh nghiệp, Đà Nẵng nên sử dụng số tiền này vào các hình thức quảng bá, cổ động, khuyến mãi trực tiếp đến người sử dụng. May chăng người dân nhận thấy lợi ích trước mắt mà thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi di chuyển trong thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn