MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
3 mỏ cát hoàn thành đấu giá sẽ đóng góp cho ngân sách Hà Nội 1.700 tỉ đồng. Ảnh minh họa: UBND TP Hà Nội

Những con số bất ngờ và bất thường từ một cuộc đấu giá khai thác mỏ cát

Hoàng Văn Minh LDO | 09/11/2023 14:59

Hà Nội vừa hoàn tất việc đấu giá khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn với những con số bất ngờ khi giá gấp 46 - 200 lần so khởi điểm.

Như Lao Động đã thông tin, 3 mỏ cát của Hà Nội đã được tổ chức đấu giá quyền khai thác, với 41 doanh nghiệp tham gia. Việc đấu giá sẽ đóng góp 1.700 tỉ đồng cho ngân sách - trên lý thuyết.

Đó là các mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là 703.536 m3, giá khởi điểm là 2,881 tỉ đồng, bước giá đấu 144 triệu đồng. Giá đấu trúng là 396,865 tỉ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.

Mỏ Liên Mạc (Thượng Cát), phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), có trữ lượng cát 508.603 m3, giá khởi điểm 2,051 tỉ đồng, bước giá đấu 103 triệu đồng. Giá đấu trúng lên tới 408,290 tỉ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm.

Mỏ Tây Đằng - Minh Châu trên địa bàn thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, xã Chu Minh (huyện Ba Vì) có trữ lượng cát khai thác 4.899.000 m3, giá khởi điểm 19,29 tỉ đồng, bước giá đấu 965 triệu đồng. Giá đấu trúng là 883,930 tỉ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.

Đây là những con số gây bất ngờ và cả bất thường nếu làm một phép tạm tính.

Trước hết là mỏ Châu Sơn với trữ lượng được quyền khai thác là 703.536 m3. Nếu lấy con số này nhân với giá cát bán phổ biến trên thị trường hiện nay là khoảng 150.000 đồng/m3 (mua tại mỏ) thì sẽ cho ra số tiền khoảng hơn 105 tỉ đồng. Như vậy, so với giá đấu trúng thì doanh nghiệp phải bù lỗ khoảng hơn 291 tỉ đồng sau khi bán hết cát.

Tương tự với cách tính như vậy, doanh nghiệp đấu trúng mỏ Liên Mạc phải bù lỗ hơn 331 tỉ đồng. Và với mỏ Tây Đằng, doanh nghiệp đấu trúng phải bù lỗ khoảng hơn 149 tỉ đồng nếu bán hết cát.

Còn tính với giá chở tận nơi chưa VAT, như công bố của Sở Xây dựng Hà Nội với mức dao động từ 215.100 đồng đến 268.300 đồng/m3 thì mức lỗ cũng tương đương bởi chở tận nơi phải phát sinh phí đi kèm.

Tóm lại tính kiểu gì cũng thấy lỗ. Và với mức giá bỏ thầu như đã thấy, với hai mỏ cát đầu tiên, các doanh nghiệp khai thác cát này chỉ có một cách duy nhất để có lãi là sau một đêm ngủ dậy, giá cát trên thị trường vì một lý do nào đấy bị đẩy từ 150.000 đồng/m3 như hiện nay lên khoảng 12 triệu đồng/m3 thì mới có lãi do trữ lượng quá ít.

Riêng với mỏ cát Tây Đằng, do trữ lượng lớn hơn nên chỉ cần thị trường “đẩy” giá lên 300.000 đồng/m3 mua tại mỏ - gấp đôi giá thị trường hiện nay- thì doanh nghiệp may ra có lãi.

Dĩ nhiên, hơn 12 triệu đồng hay 300.000 đồng/m3 khối cát chỉ là con số giả định. Nhưng nó là tiền đề cho câu hỏi: Với mức thua lỗ lên tới hàng trăm tỉ đồng/mỏ cát mà “người thường” vẫn có thể tính ra như vậy, vì sao các doanh nghiệp vẫn miệt mài đấu xuyên đêm, đấu đến cùng?

Các doanh nghiệp đấu đến cùng để rồi chấp nhận bỏ cọc (gần 3 tỉ đồng) vì phá nhau hay con gà tức nhau tiếng gáy như đang khá phổ biến? Vì có thể có việc “giấu trữ lượng” để doanh nghiệp “khai thác chui” như có nghi vấn đặt ra sau khi công bố kết quả đấu giá?

Câu trả lời là khả năng nào cũng có thể xảy ra! Và trong thực tế cũng đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra với cả hai khả năng trong lĩnh vực khai thác cát.

Vậy nên, con số 1.700 tỉ đồng cho ngân sách từ việc đấu giá 3 mỏ cát này, hiện vẫn chỉ là “đếm cua trong lỗ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn