MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ em ở Tịnh thất Bồng Lai phải được bảo vệ. Ảnh: LĐO

Những đứa trẻ ở Tịnh thất Bồng Lai phải được bảo vệ

Lê Thanh Phong LDO | 11/01/2022 12:03
Sau khi Công an tỉnh Long An khởi tố vụ án liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai, nhiều thông tin được khai thác, trong đó có cả những đứa trẻ đang cư ngụ ở đây.

Tên tuổi, hình ảnh, giấy khai sinh, gia đình của các em bị đưa lên ở nhiều kênh khác nhau. Việc khai thác và đưa thông tin, hình ảnh trẻ em nếu không được sự đồng ý là vi phạm quy định của pháp luật - nhưng ai xử lý và xử lý ai trên mạng xã hội là chuyện không dễ.

Điều 21 Luật Trẻ em cũng quy định: "Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em".

Theo Điều 31, Nghị định 130/2021/NĐ-CP, hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng

Nếu trích hết các điều luật về bảo vệ trẻ em thì có thể nói là một "rừng luật", nhưng các cháu đang bị tấn công bằng "luật rừng".

Bộ LĐ-TB&XH vừa đề nghị cộng đồng xã hội giữ bí mật thông tin cá nhân để bảo vệ các trẻ em tại "Tịnh thất Bồng Lai", nhưng liệu lời đề nghị này có được tôn trọng, và nếu có cá nhân nào đó tiếp tục khai thác bí mật đời tư của các em vì mục đích riêng thì ai sẽ bảo vệ các em?

Trong vụ Tịnh thất Bồng Lai, nếu có những hành vi phạm tội thì đó là việc của người lớn, con cái họ vô tội, không chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của người lớn. Nếu như các em thực sự bị người lớn lợi dụng thì chính các em là nạn nhân.

Nghiêm trị người vi phạm pháp luật, bảo vệ người vô tội, đó là pháp lý, là đạo lý. Trong trường hợp này, người vô tội là trẻ em, có thể là nạn nhân của những sai phạm do người lớn gây ra, vậy thì càng phải được bảo vệ. 

Các em bị nêu tên tuổi, liên quan đến hành vi vi phạm của người lớn, thì các em sẽ bị chấn thương tâm lý, dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực chưa thể lường trước được. Các em còn đi học, đến trường, quan hệ với bạn bè, nếu như bị bạn bè trêu chọc, xa lánh thì khó khăn trong học tập, thậm chí bỏ học.

Bảo vệ các em không bị khai thác trên các kênh thông tin, mạng xã hội là một việc, việc thứ hai là bảo vệ các em tại tịnh thất. Trong giai đoạn điều tra vụ án, các em cũng có thể là nạn nhân, là nhân chứng, cho nên phải được bảo vệ, không để kẻ khác khủng bố tinh thần.

Vụ án này còn bộc lộ một sự thật, đó là công tác quản lý các cơ sở được gọi là từ thiện xã hội, bảo trợ trẻ em còn bị buông lỏng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn