MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Y bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chụp của bệnh nhân COVID-19 (ảnh:L.H).

Niềm tin sẽ giúp phong tỏa những tin đồn, tin giả…

Thế Lâm LDO | 23/03/2020 07:00
Dù là tin vịt, tin đồn hay tin giả thì cũng đều là những thông tin sai sự thật lan truyền trên các trang thông tin có mục đích phá hoại, gây rối; hoặc từ những tài khoản mạng xã hội tung tin theo cách “nghe nói” mà thiếu xác minh, kiểm chứng… Nói chính xác hơn, đó là cách thông tin, đưa tin thiếu trách nhiệm.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, tình trạng đưa tin thiếu trách nhiệm từ các cá nhân lộ diện hoặc ẩn mặt đều rất dễ gây hoang mang cho dư luận, cộng đồng trong lúc nỗ lực chống bệnh dịch COVID-19 đang quy tụ được sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Gần đây nhất là tin đồn phong tỏa Hà Nội, đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ để xử lí, ít nhất là với khoảng 20 tài khoản trên mạng xã hội. Những ai đã tung tin như thế, cho dù cố ý hay do nhận thức kém, đều cần xử lí nghiêm đến nơi đến chốn.

Tác hại của tin đồn đã được đề cập rất nhiều. Song vấn đề quan trọng hơn là, làm sao để phong tỏa những tin đồn, tin giả? Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời, bởi vấn nạn tin đồn, tin giả hiện nay không chỉ nảy sinh và tồn tại ở Việt Nam mà trên cả bình diện thế giới.

Có nhiều quan điểm được đưa ra về cách ngăn chặn, hạn chế và đấu tranh với tin giả. Thứ nhất là tăng cường công tác rà soát, phát hiện và xử lí kịp thời những đối tượng phao tin đồn và đưa tin giả trên mạng xã hội. Mà cần phải xử nhanh, xử nặng và nghiêm để răn đe.

Với quan điểm của nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (Influencers), có hai việc cần phải làm: Một là chính các Influencers cần đưa tin có trách nhiệm, thông tin phải chính xác và có cách chỉ dẫn, động viên người theo dõi để tránh xa các loại tin vịt, tin đồn… Hai là, chính người dùng cũng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội trên Internet. Người dùng mạng xã hội một cách thông minh sẽ tránh được sự “vây ráp” của các loại tin đồn, tin giả. Người dùng, người đọc hoàn toàn có thể kiểm chứng thông tin, đối chiếu chéo từ các nguồn.v.v… để dần loại trừ các thông tin sai sự thật.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã  huy động được cả hệ thống chính trị nhập cuộc chống dịch. Việt Nam không chỉ đã chữa khỏi 17 ca, mà những người cách li còn được miễn phí ăn ở, các ca bệnh được miễn phí điều trị… Lợi thế vì số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam chưa nhiều cho nên nhiều ca bệnh đã được các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia hàng đầu hội chẩn mang đến phương án điều trị tối ưu nhất.

Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – đã bỏ số tiền lớn để thuê chuyên cơ riêng đưa con gái Thảo Tiên bị nhiễm SARS-CoV-2 từ Anh quốc về Việt Nam chữa trị. Ông cho biết vì ông tin vào y tế Việt Nam, tin vào sự giỏi giang cũng như nhiệt huyết, tấm lòng của các y bác sĩ tại Việt Nam.

Việc chống tin đồn, tin giả có thể bằng nhiều cách. Song để phong tỏa tin đồn, tin giả cần có niềm tin vào ý chí, quyết tâm của hệ thống chính trị, sự đoàn kết và đồng lòng toàn dân, sự tập hợp chất xám, tài năng và nhiệt huyết của các nhà khoa học, y bác sĩ Việt Nam.

Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn hoàn toàn có thừa tiền của để chọn lựa một phương án khác chữa trị cho con gái của mình ở nước ngoài. Song gia đình ông đã chọn phương án đưa con gái về Việt Nam chữa trị. Đó là niềm tin mà người dùng mạng xã hội nhìn vào có thể thấy vững tâm, từ đó tự mình sẽ tự sản sinh thứ kháng thể để phong tỏa các loại tin đồn, tin giả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn