MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nợ doanh nghiệp không trả- vướng thủ tục hay sợ trách nhiệm?

Lê Thanh Phong LDO | 09/01/2023 06:05

Công ty TNHH Trung tâm Kiểm tra Sức khỏe Chìa Khóa Vàng và Công ty CP Vaccine và Sinh phẩm Nam Hưng Việt kiện Trung tâm Y tế thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương ra tòa vì mắc nợ không trả.

Công ty Nam Hưng Việt kiện đòi 55 tỉ đồng và lãi chậm thanh toán 4 tỉ đồng. Công ty Chìa Khóa Vàng kiện đòi 74,7 tỉ đồng và lãi chậm thanh toán 5,3 tỉ đồng.

Năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tỉnh Bình Dương kêu gọi doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế, test xét nghiệm nhanh để chống dịch, hai doanh nghiệp trên đã tham gia cùng với địa phương.

Nhưng sau khi dịch đã qua, địa phương không chịu trả nợ cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã nhiều lần đối thoại, gửi đơn kêu cứu lên Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, nhưng vụ nợ nần cứ kéo dài.

Trong báo cáo ngày 30.12.2022 của UBND thành phố Thuận An gửi UBND tỉnh Bình Dương đã ghi rõ: "Trong quá trình chống dịch COVID-19 năm 2021 của thành phố Thuận An, Công ty Chìa Khóa Vàng và Công ty Nam Hưng Việt đã hỗ trợ trên tinh thần tính mạng con người là quan trọng nhất. Có những thời điểm đêm khuya, trung tâm Y tế gọi điện thoại nhờ đơn vị cung cấp hàng, Công ty đã không quản ngại khó khăn do các chốt, trạm phòng, chống dịch rất nhiều, nhưng Công ty đã hoàn thành theo yêu cầu của Trung tâm Y tế để hỗ trợ Thuận An trong công tác phòng chống dịch".

Trong thời gian bùng lên vụ kit test Việt Á, các gói thầu của các doanh nghiệp khác được thanh kiểm tra chặt chẽ. Báo cáo của UBND thành phố Thuận An cũng khẳng định: "Công ty đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của Trung tâm Y tế để hoàn thiện hồ sơ các gói thầu... Các gói thầu đã được các cơ quan có chức năng thanh, kiểm tra nhưng vẫn chưa được thanh toán". UBND thành phố Thuận An kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương thanh toán các gói thầu, ít nhất 50% cho các doanh nghiệp trước Tết Nguyên Đán.

Nhưng đến nay, UBND tỉnh Bình Dương vẫn chưa có quyết định.

Sau dịch, nhiều cán bộ bị khởi tố, bắt giam, ra tòa vì liên quan đến mua sắm vật tư y tế, cho nên lãnh đạo nào cũng sợ, lo cho bản thân mình hơn là cho sự công bằng.

Doanh nghiệp nào móc ngoặc, hối lộ, gói thầu nào bất minh thì cứ luật mà xử. Còn những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tham gia phòng chống dịch cùng chính quyền, thì phải thanh toán đầy đủ cho họ. Lúc khó khăn kêu gọi doanh nghiệp đồng hành, khi chống được dịch thì không trả tiền vật tư y tế.

Doanh nghiệp bị nợ quá lớn, phải trả lãi ngân hàng, nếu kéo dài có thể sẽ dẫn đến phá sản, nên buộc họ phải kiện Trung tâm Y tế thành phố Thuận An ra tòa. Chính quyền địa phương đừng đẩy doanh nghiệp đến "bước đường cùng".

Không chỉ Bình Dương, mà nhiều địa phương khác cũng mắc nợ doanh nghiệp cung cấp vật tư y tế chống dịch. Không trả không phải không có tiền, mà vì sợ trách nhiệm nên không ai dám đặt bút xuống ký.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn