MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vật tư y tế phòng chống dịch do Công ty Nam Hưng Việt cung cấp cho TP Thuận An. Ảnh: Thành Trường

Nợ tiền chống dịch không trả, dịch đến ai dám xông lên tuyến đầu?

Lê Thanh Phong LDO | 14/01/2023 15:54

Nhiều doanh nghiệp cung cấp vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 đến nay bị các địa phương nợ tiền không chịu trả. Nhiều nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch đến nay bị nợ tiền chưa được thanh toán.

Về vụ Trung tâm Y tế thành phố Thuận An, Bình Dương mua vật tư y tế chống dịch COVID-19 của 2 doanh nghiệp, đến nay không trả tiền, bị kiện ra tòa, ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết: "Địa phương không thiếu kinh phí phòng chống dịch. Có tiền mà không trả nợ được, vấn đề là do vướng cơ chế".

"Cơ chế" là cái gì mà ở đâu cũng vướng, hỏi ra cũng không biết là cơ chế gì?

Ngày 7.1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 với các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi: Tại sao việc thanh toán cho phòng, chống dịch lại chậm? Cần nhìn nhận lý do vì sao để chậm trễ như vậy, bởi Quốc hội đã cho phép, Chính phủ không phải thiếu kinh phí. Phải chăng do thiếu tinh thần trách nhiệm, hay bị mất phương hướng sau khi một loạt sai phạm xảy ra và vì những người có trách nhiệm sợ sai?

Chuyện các địa phương nợ doanh nghiệp, nợ tiền hỗ trợ nhân viên tuyến đầu chống dịch kéo dài đến nay, ai cũng biết, nhưng không ai giải quyết.

Xét cho cùng, người có trách nhiệm không đặt bút xuống ký vì họ nghĩ rằng, nếu có gì sai sót thì họ phải chịu trách nhiệm, vậy thì thà không ký còn hơn. Doanh nghiệp khốn khổ - mặc; phá sản - cũng mặc; nhân viên y tế kêu về chậm thanh toán tiền hỗ trợ - cũng mặc. Đối với người có chức quyền, việc quan trọng nhất là giữ cái ghế của mình cho chắc.

Có những điều bất công rành rành như vậy, nhưng vẫn cứ để nó tồn tại.

Đại dịch ập đến, nhiều lực lượng xả thân tham gia phòng, chống dịch, trong đó có quân đội, công an, doanh nghiệp, nhân viên y tế, người dân. Lúc đó, không ai tính toán gì cho bản thân hơn là vì việc chung, vì cộng đồng. Trừ những người cố tình làm sai, kiếm tiền trên những mất mát của cộng đồng.

Cũng tại ngày họp Quốc hội 7.1, đại biểu Trần Hoàng Ngân lên tiếng: "Họ không cần biết họ sẽ được hưởng bao nhiêu tiền, vì lúc đó họ chỉ lo bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Nhưng chúng ta cứ căn cứ thủ tục, chậm thanh toán gây tổn thương đến tinh thần của họ".

Hãy rút ngắn thủ tục, mạnh dạn xử lý các khoản nợ phòng chống dịch còn tồn đọng, đó là công bằng, sòng phẳng với lực lượng phòng chống dịch và với doanh nghiệp.

Nếu huy động các lực lượng tham gia phòng chống dịch nhưng sau đó không đối xử công bằng, thì khi có dịch đến ai còn dám xông lên tuyến đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn