MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nói “không” với bán, mua hàng giả, hàng nhái: Đừng chỉ là khẩu hiệu

Hoàng Lâm LDO | 29/11/2021 10:00
Hôm nay (29.11) là Ngày chống hàng giả, hàng nhái của Việt Nam. Thế nhưng ai cũng biết, để chống lại những sản phẩm này thì không thể gói gọn trong một ngày mà là công việc của tất cả các ngày trong năm, tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội.

Cách đây 14 năm, từ năm 2007, theo đề nghị của Hiệp hội VATAP và các cơ quan liên quan, Chính phủ có văn bản đồng ý chọn ngày 29.11 hằng năm là “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái”.

Nạn hàng giả, hàng nhái đã từng trở thành vấn nạn trầm trọng, không chỉ vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bản quyền, các công ước, các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết mà trên thực tế hàng giả, hàng nhái đã gây ra những hệ lụy khôn lường cho xã hội và cho mỗi người dân.

Viên thuốc giả chữa bệnh có thể gây chết người, thực phẩm giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, sách giáo khoa giả gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ sau… Thậm chí có cả chuyện bằng cấp giả dẫn đến những cán bộ giả, những tiến sĩ giấy.

Không thể kể hết những mặt hàng mỗi ngày bị làm giả, làm nhái do các gian thương hám lợi để lừa người tiêu dùng. Không thể kể hết những thứ nhái tưởng chừng như vô hình, khó nắm bắt nhưng tác động lên cuộc sống vô cùng lớn.

Công các chống hàng giả, hàng nhái vẫn được duy trì với hàng ngàn vụ bị phát hiện mỗi năm, hàng trăm, hàng ngàn kẻ bán hàng giả, hàng nhái bị truy tố trước pháp luật. Thế nhưng do lợi nhuận, tình trạng này ngày càng tinh vi, khó nắm bắt, phát hiện.

Trách nhiệm ngăn chặn đầu tiên thuộc về các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an và những lực lượng thực thi pháp luật khác.

Nhưng nếu chỉ là ngăn chặn, bắt giữ những kẻ làm hàng giả, hàng nhái thì mới chỉ là khâu phần ngọn.

Cái gốc vẫn cần bồi đắp chính là từ ý thức những người bán hàng, nhất là ý thức của người dân phải mạnh mẽ, quyết liệt biết nói “không” với thứ hàng giả, hàng nhái. Nhưng để làm được điều ấy phải có kênh để người dân nhận diện, phân biệt giữa cái thật với cái giả, giữa hàng thật và hàng nhái.

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đưa ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 90% các cơ sở phân phối không còn tình trạng bày bán hàng nhập lậu, hàng giả một cách công khai ở cửa hàng, trung tâm mua sắm.

Mục tiêu này không dễ thực hiện nhưng phải làm bằng được vì quyền lợi của người tiêu dùng, vì sức khoẻ của nền kinh tế và ở góc độ nào đó còn là hình ảnh quốc gia.

Nói “không” với bán và mua hàng giả, hàng nhái không nên dừng ở khẩu hiệu. Nó là trách nhiệm lớn lao của cơ quan quản lý và của cả mỗi người dân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn