MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
VN, một “thiên đường bia rượu”

Nỗi lo về một “thiên đường bia rượu”

Anh Đào LDO | 04/06/2019 14:00

Người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu và gần 4,1 tỉ lít bia/năm. Bình quân mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia/năm. Kỷ lục châu lục và... hành tinh này sẽ còn tiếp tục khi hôm qua, dù bỏ phiếu đến lần thứ hai, quy định "Cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn" đã không nhận được sự tán thành.

Hôm qua, Phương án “Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn" trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia được đưa ra lấy ý kiến trước QH.

Kết quả là 48,76% ý kiến đồng ý và 36,36% ý kiến không đồng ý.

Ngay sau khi có kết quả, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi bất ngờ bấm nút xin giải thích thêm đại ý: Phương án này có thể hiểu một cách đơn giản là "đã uống rượu bia thì không lái xe". 

Sau khi ông Lợi có ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã xin Quốc hội cho… biểu quyết lại đối với phương án này. 

Tuy nhiên, ngay cả ở lần biểu quyết thứ hai, phương án này vẫn không nhận được quá bán: Chỉ 44,21% đại biểu đồng ý và 43,80% ý kiến không đồng ý đưa vào dự thảo luật nội dung "cấm uống rượu bia khi lái xe".

Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỉ USD.

Nếu tính phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại cũng rất kinh khủng: 65.000 tỉ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là gần 26.000 tỉ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỉ theo GDP năm 2017).

Câu hỏi tại sao một quy định tiến bộ, nhất là trong bối cảnh liên tục các vụ tai nạn giao thông kinh hoàng do lạm dụng bia rượu gây ra, lại không được sự đồng thuận tại QH được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh, trong đó có cả giác độ xung đột pháp luật với các quy định trong Luật Giao thông đường bộ, trong Luật Hình sự... Tuy nhiên, đây rõ ràng là một  “bước lùi” trong nỗ lực giảm thiếu tác hại và tình trạng lạm dụng rượu bia.

Một “ bước lùi” mà có lẽ chúng ta sẽ phải trả giá rất sớm thôi. Giá bằng bệnh tật; giá bằng tiền bạc và thậm chí những cái giá bằng máu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn