MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nới trần giờ làm chỉ nên là giải pháp tạm thời, áp dụng không quá 12 tháng. Ảnh: LĐO.

Nới trần giờ làm thêm chỉ là ngọn, gốc phải là nâng cao năng suất lao động

Hải Linh LDO | 25/03/2022 06:11

Nhiều người lo tăng mức lương tối thiểu, giữ nguyên giờ làm thêm sẽ khiến nền kinh tế kém cạnh tranh, doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển đầu tư sang những nước có chi phí lao động rẻ hơn. Song, theo nghiên cứu của Natalia Emmanuel (Đại học Harvard) thì không hẳn. Chủ doanh nghiệp cần nhiều thứ hơn là chỉ khai thác nhân công giá rẻ. Họ cần nguồn nhân lực chất lượng với năng suất lao động cao. 

Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa thông qua đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 60 giờ và mở rộng giới hạn làm thêm tối đa đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề.

Theo các chuyên gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây chỉ nên là giải pháp tạm thời, áp dụng không quá 12 tháng. 

Việc nới trần giờ làm thêm có thể giải quyết vấn đề ngắn hạn nhưng không phải giải pháp căn cơ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII mà Đảng đề ra.

Theo chuyên gia kinh tế Kenichi Ohno (Nhật Bản), 5 dấu hiệu cho thấy bẫy thu nhập trung bình đã hiện hữu với Việt Nam, trong đó có “năng suất lao động không theo kịp với việc tăng lương, làm tăng chi phí sản xuất”.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore.

Nghiên cứu của Natalia Emmanuel (Đại học Harvard) chỉ ra nếu tăng lương thêm 1 USD thì năng suất lao động cũng tăng tương ứng, tạo động lực cho công ty trả lương nhiều hơn cho người lao động, ngay cả khi họ có thể trả thấp hơn.

Dứt khoát trong thời gian tới, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, cần đầu tư xây dựng một hệ thống giáo dục chất lượng cao và sáng tạo, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, cải thiện quy trình sản xuất và năng suất lao động chứ không phải chỉ lo tăng giờ làm thêm của công nhân.

Theo điều tra của Báo Nhân dân, Viện Lao động và tiền lương thì mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được 60-70% mức sống tối thiểu thực tế.

Là người làm công, ai cũng mong muốn được làm thêm để tăng thu nhập, dù phải vắt kiệt hơn sức lao động của mình, trong một giai đoạn. 

Nhưng, những người làm chính sách, có hiểu biết và tầm nhìn xa hơn nên nghĩ câu chuyện này về lâu dài. Chúng ta phải có trách nhiệm đối với cuộc đời một con người không chỉ ở tuổi thanh niên sung sức nhất mà cần nghĩ tới những di chứng khi về già. Nếu ai đã mua bảo hiểm, hãy tự nhìn độ tuổi và biểu phí theo thời gian để thấy sự ngắn hạn trong việc tận dụng sức lao động. 

Tăng trần giờ làm thêm chỉ là giải pháp cấp bách. Nếu cơ quan quản lý nhà nước về lao động, việc làm không nhanh chóng tìm cách tăng năng suất lao động thì công nhân không còn cách tăng thu nhập nào ngoài tăng ca, bào mòn sức khỏe ở giai đoạn sung sức nhất. Lâu dài, bao nhiêu di chứng khi về già của người lao động sẽ đè nặng, gây áp lực cho hệ thống an sinh xã hội.

Thực tế, nếu hướng đến sự minh bạch, làm rõ được “định mức sản phẩm” của từng doanh nghiệp, quản lý thuế chặt, chúng ta sẽ thấy lợi nhuận của các nhà đầu tư không hề nhỏ.

Đồng hành, san sẻ lợi ích và cùng bước đi với nhau đến thịnh vượng là tầm nhìn dài hạn, là điều mà các ông chủ văn minh cần hướng đến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn