MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an kiểm tra cơ sở kinh doanh trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc để giả mạo khoai tây Đà Lạt. Ảnh: Võ Tùng

Nông sản Trung Quốc "đội lốt" Đà Lạt, chẳng lẽ bất lực

Hoàng Văn Minh LDO | 08/09/2024 15:00

Việc nông sản có xuất xứ từ Trung Quốc "đội lốt" nông sản Đà Lạt đã trở thành một vấn nạn nhức nhối, kéo dài nhiều năm nay.

Công an tỉnh Lâm Đồng vừa phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh nông sản đã dùng đất đỏ để trộn vào khoai tây Trung Quốc, biến chúng thành "khoai Đà Lạt" và bán ra thị trường.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên việc "hô biến" khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt bị phát hiện — tình trạng này đã tồn tại suốt 15 năm qua. Không chỉ dừng lại ở khoai tây, các loại nông sản khác như cà rốt, hành tây cũng đã bị "hô biến" tương tự.

Hơn 10 năm trước, Báo Lao Động đã có loạt phóng sự dài kỳ theo dấu nông sản Trung Quốc từ các cửa khẩu phía Bắc, vòng qua Lâm Đồng, rồi lan rộng xuống phía Nam, miền Trung và thậm chí cả miền Bắc để tiêu thụ.

Quá trình "hô biến" này là việc phủ đất đỏ lên thân hoặc rễ các loại nông sản như một "bảo chứng" về xuất xứ Đà Lạt.

Vụ việc sau đó được các cơ quan chức năng "phát hiện" và vào cuộc, xử phạt một số gian thương. Trong vụ việc lần này, cơ quan chức năng cũng vào cuộc, xuất phát từ điều tra và phản ánh của một số tờ báo.

Vậy nên câu hỏi đặt ra là: Tại sao các gian thương "hô biến" nông sản Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt trong suốt một thời gian dài, với số lượng lớn, gần như công khai như vậy nhưng các cơ quan chức năng vẫn không thể xử lý dứt điểm?

Liệu các biện pháp giám sát và xử lý việc này như lâu nay có thực sự hiệu quả? Và chẳng lẽ cơ quan chức năng bất lực trước vấn nạn này?

Cần khẳng định rằng việc "hô biến" nông sản Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt và bán ra thị trường với giá rẻ hơn nông sản chính gốc Đà Lạt là một hành vi giả mạo thương hiệu, làm ăn gian dối, không thể chấp nhận.

Đây là hành vi có lợi cho mình nhưng lại gây hại cho người khác, khiến người nông dân chân chính ở Lâm Đồng điêu đứng vì sản phẩm họ làm ra không thể cạnh tranh với sản phẩm giả gắn mác Đà Lạt.

Người tiêu dùng cả nước thì thường xuyên "ăn trái đắng" mà không hề hay biết, bởi nông sản Đà Lạt thật và giả khác nhau rất xa về chất lượng và cả độ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nếu vấn nạn này không được xử lý triệt để, lòng tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu nông sản Đà Lạt sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp không chỉ riêng ở Lâm Đồng.

Vụ phát hiện mới nhất tại hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng của Lâm Đồng sẽ tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh, để vấn nạn nhức nhối này được các cơ quan chức năng nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn, vào cuộc thường xuyên, mạnh mẽ, chủ động, và quyết liệt hơn nhằm đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng nông sản nước ngoài "gắn mác" Đà Lạt tung ra thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn