MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ô nhiễm không khí - không chỉ ngửa mặt nhìn trời!

ANH ĐÀO LDO | 15/11/2019 13:20
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội giảm tới 200 đơn vị sau cả tuần “tím ngắt”, mức độ ô nhiễm chưa từng thấy, ô nhiễm đến mức độ “gay go”. Chỉ đáng buồn, sự cải thiện AQI có nguyên do là vì trời mưa và gió mùa đông bắc.

“Gay go lắm rồi” là cảm thán của TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam - vào sáng 12.11. Khi ấy, cả Hà Nội gần như “tím ngắt” với thông số bụi mịn PM2.5 tại tất cả các trạm quan trắc vượt xa quy chuẩn theo khuynh hướng tăng dần và chỉ số AQI vượt trên 200, 300. Thậm chí, tại điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại Nguyễn Văn Cừ ghi nhận chỉ số AQI lên tới 341, ngưỡng cao nhất (thể hiện bằng màu nâu) và là ngưỡng “nguy hại”, ngưỡng ô nhiễm cao nhất trong thang bậc ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người.

Một ngưỡng kỷ lục vừa được ghi nhận, nhưng trên một thực tế là tình trạng “tím ngắt” đã quá thường xuyên trong sự lo lắng, ngao ngán và bất lực của người dân. Một ngưỡng kỷ lục xuất hiện, khi chúng ta đã thừa biết nguyên nhân - không chỉ là các hiện tượng thiên nhiên kiểu “ông trời” và vẫn loay hoay trong cách khắc phục.

Và một tình trạng “gay go”, chỉ được xoá, sau chỉ một đêm nhờ có mưa, nhờ có gió mùa, nhờ “ông trời”.

Vào đúng ngày cả Hà Nội tím ngắt, thậm chí lên mức nguy hại ấy, báo chí ghi nhận cảnh bụi mờ mắt, theo đúng nghĩa đen - từ các công trường xây dựng. Cho đến thời điểm này, cả thành phố tồn tại tới 50 công trình đang thi công, và đó cũng là 50 nguồn phát tán bụi, hoàn toàn có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Vì sao một hành vi tiểu bậy của một cá nhân bị cả xã hội lên án trong khi bắt gặp những nguồn phát tán ô nhiễm nghiêm trọng thì chúng ta chỉ bịt mũi đi qua?

Vì sao chúng ta kêu than ô nhiễm trong khi chờ đèn đỏ ngã tư nhất quyết không tắt máy, để chiếc xe của mình xả ô nhiễm đầu độc đồng bào và đầu độc chính mình?

Vì sao có chế tài xử phạt những hành vi vứt rác bừa bãi trong khi việc đốt rác, đốt rơm rạ, đun bếp than tổ ong... đầu độc nguồn không khí lại xảy ra như chuyện bình thường?

Ô nhiễm có nguyên nhân từ tự nhiên, từ ông trời, điều đó đúng. Nhưng chủ yếu lại đến từ chính những hành vi không khác gì huỷ hoại môi trường của chính chúng ta.

Và nếu, từ giác độ quản lý nhà nước, sự “tím ngắt” cũng chỉ được nhìn nhận là vì tự nhiên, là do ông trời mãi không chịu mưa... mà thiếu đi cách vận động người dân, thiếu biện pháp và các chế tài xử lý các nguồn gây ô nhiễm thì có lẽ chúng ta vẫn còn phải ngửa cổ dài dài. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn